Hà Nội kết nối

TP Hồ Chí Minh: Khoảng 35% sinh viên tham gia các chương trình thực tập tại doanh nghiệp

Thanh Tàu 09/08/2024 - 18:48

Ngày 9-8, Trường Cao Đẳng Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ thành phố tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Nâng cao hiệu quả gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

4566.jpeg
Tiến sĩ Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh Nghiêm Ý.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cho biết, thành phố có khoảng 55 trường đại học và 35 trường cao đẳng nghề. Mặc dù số lượng các cơ sở đào tạo này khá lớn, nhưng sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Một khảo sát gần đây cho thấy, chỉ có khoảng 42% chương trình đào tạo đại học có tính thực tiễn cao và khoảng 35% sinh viên tham gia vào các chương trình thực tập tại doanh nghiệp.

Tương tự, Thạc sĩ Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế thành phố cho hay, trong thời gian qua, việc hướng mục tiêu đào tạo và đáp ứng tốt với thời lượng 50-70% dành cho thực hành và đặc biệt là thực hành, thực tế tại doanh nghiệp còn nhiều vấn đề vướng mắc.

Cũng theo Thạc sĩ Trần Văn Tú, hiện nay chưa hình thành một cơ chế chính thức cho việc phối hợp, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để phục vụ cho quá trình đào tạo và thực hành, thực tập của sinh viên tại các doanh nghiệp; mức độ quan tâm, chủ động ở cả phía nhà trường và doanh nghiệp đều chưa đúng mức; đặc thù từng ngành đào tạo lại có những yêu cầu tổ chức thực hành, thực tập, thực tế khác nhau nên cả nhà trường và doanh nghiệp đều gặp khó khăn…

4566.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh Nghiêm Ý.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Chi Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn cho rằng, việc nâng cao kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục là một bước quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội. Để thành công, cần sự hợp tác và những nỗ lực từ tất cả các bên liên quan. Do đó, sự kết nối mạnh mẽ và hiệu quả giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của thị trường lao động…

z4292819136602_cffc4127bd9a1fbc0e2ca0765b9bb41e-1-.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp. Ảnh Nghiêm Ý.

Trong khi đó, Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố cho biết, việc gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp khiến chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo nghề tăng lên rõ rệt, điều này cho thấy sự đúng đắn và rất cần thiết. Tuy nhiên, trong hoạt động cụ thể của mối gắn kết này vẫn còn một vài hạn chế như việc ký kết hợp tác giữa hai bên đôi lúc còn mang tính hình thức.

Do đó, để đi vào thực chất, doanh nghiệp cần thật sự quan tâm đến nội dung gắn kết giữa hai bên, cần xem nhà trường là khách hàng về nguồn cung lao động, chia sẻ thật sự những mong muốn với các hoạt động đào tạo của nhà trường để đáp ứng thực tiễn công nghệ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại doanh nghiệp. Về phía nhà trường cần tiếp tục đa dạng hóa các loại hình và phương thức đào tạo như đào tạo tập trung tại trường, đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh, đào tạo theo nhu cầu của xã hội… nhằm gắn kết có hiệu quả trong việc khai thác, sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, tránh lãng phí cho xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Khoảng 35% sinh viên tham gia các chương trình thực tập tại doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.