Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng mức giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt, áp dụng từ ngày 1-6, cao nhất 84.000 đồng/hộ đối với các hộ nội thành và thành phố Thủ Đức.
Tại họp báo kinh tế - xã hội chiều 22-5, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Quyết định số 67/2025/QĐ-UBND của UBND thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định 67) về ban hành quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có hướng dẫn cụ thể việc xác định khối lượng rác để tính giá dịch vụ.
Theo đó, đối với hộ gia đình, từ 1-6, giá thu gom, vận chuyển rác một hộ gia đình phải trả khi chưa thực hiện phân loại rác đã được tính toán dựa trên khối lượng rác phát sinh bình quân đầu người theo quy chuẩn và bình quân nhân khẩu của một hộ gia đình theo báo cáo thống kê hiện hành.
Do đó, hộ gia đình sẽ trả cùng một mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác (đồng/hộ/tháng) theo khu vực mà không cần phải xác định khối lượng rác, cụ thể như sau:
Khu vực | Giá thu gom (đồng/hộ/tháng) | Giá vận chuyển (đồng/hộ/tháng) |
TP Thủ Đức và các quận | 61.000 | 23.000 |
Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ | 57.000 | 23.000 |
Củ Chi, Bình Chánh | 57.000 | 19.000 |
Giá trên chưa bao gồm thuế VAT theo quy định
Đến khi thành phố triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chính quyền địa phương sẽ tổ chức thống kê, xác định lại khối lượng rác phát sinh bình quân (không bao gồm rác tái chế và nguy hại) để tính tiền rác của hộ gia đình.
Theo quy định, người dân cũng có thể chọn phương án đem bán hoặc cho rác tái chế cho người thu gom và đóng đúng đủ mức giá như khi chưa triển khai phân loại rác mà không cần thực hiện thống kê xác định lại khối lượng.
Đối với chủ nguồn thải (các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất - kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp), chính quyền địa phương sẽ phối hợp với đơn vị thu gom và chủ nguồn thải để tổ chức thống kê, xác định khối lượng rác phát sinh bình quân của chủ nguồn thải để xác định mức giá rác theo khối lượng được quy định.
Việc thống kê xác định khối lượng rác phát sinh bình quân nêu trên sẽ thực hiện trên cơ sở có sự thống nhất giữa người dân, chính quyền địa phương và đơn vị thu gom, đảm bảo minh bạch và hợp lý.
Nhằm nâng cao ý thức của người dân hiểu và thực hiện, chấp hành theo quy định của thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ chỉ đạo, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, cách thức triển khai và trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường và trả giá dịch vụ theo đúng quy định.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hiện Quyết định 67 sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, giám sát, đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp triển khai hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.