Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, từ ngày 1-1-2025, cá nhân, hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển
Tuy nhiên, sau 2 tháng luật có hiệu lực, việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn Hà Nội vẫn chỉ là mô hình thí điểm ở 5 quận. Còn việc triển khai kế hoạch phân loại rác tại nguồn ở các quận, huyện, thị xã vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Ý thức người dân chưa cao
Hằng quý, UBND huyện Quốc Oai đều ban hành văn bản yêu cầu các xã, thị trấn, đơn vị triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác; hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế tại cơ sở, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, rác thải sinh hoạt chưa được người dân huyện Quốc Oai phân loại theo đúng quy định, vẫn đổ chung lẫn lộn.
Bà Trịnh Thị Hiệp ở xã Tuyết Nghĩa phân bua, do người dân thiếu dụng cụ (thùng rác, túi rác) để đựng các loại rác khác nhau, nên không thực hiện.
Còn bà Đỗ Thị Ngân Thoa ở xã Sài Sơn giải thích, mấy năm trước cũng được tuyên truyền, hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn, nhưng gần đây, không thấy ai nói gì nữa, nên bà vẫn gom rác vào một bao tải, đợi công nhân môi trường đi thu gom là vứt lên xe ô tô.
Không riêng huyện Quốc Oai, ngay tại quận Hà Đông, việc triển khai các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bà Lê Thị Nhị ở phường Yên Nghĩa cho biết, yêu cầu đặt 3 thùng phân loại rác khác nhau để phân loại là rất khó cho các gia đình sinh sống ở khu đô thị, bởi diện tích nhà ở chật hẹp. Hơn nữa, khi phân loại xong, công nhân môi trường đi thu gom vẫn trộn lẫn thành một loại, nên người dân không mặn mà thực hiện.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để tái chế, tái sử dụng. Việc tổ chức phân loại rác thải tại nguồn là một trong những nhiệm vụ cần thiết, nhằm bảo vệ môi trường, hiện thực hóa việc biến rác thành tài nguyên.
Thế nhưng, sau 2 tháng bắt buộc thực hiện phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thành phố Hà Nội vẫn loay hoay mô hình thí điểm trên địa bàn 23 phường của 5 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm. Thời gian triển khai nhân rộng ra toàn Thủ đô còn xa vời.
Hạ tầng và công nghệ thu gom lạc hậu
Không chỉ người dân chưa sẵn sàng thực hiện phân loại rác tại nguồn, mà hiện nay hệ thống hạ tầng, công nghệ thu gom rác của các doanh nghiệp vệ sinh môi trường chưa được đầu tư đồng bộ. Một công nhân (xin được giấu tên) của Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội, phụ trách khu vực phường Yên Nghĩa cho biết, công ty chưa được trang bị dụng cụ, máy móc hiện đại để thu gom 3 loại rác thải sau phân loại. Nếu áp dụng thu gom, phân loại theo đúng quy định, đòi hỏi phải có các loại xe rác chuyên dụng.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Thành Công Phạm Thiện Lộc lý giải, do khó khăn về nguồn lực, nên đơn vị chưa đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ phân loại rác tại nguồn. Đơn vị mới chỉ tuyên truyền, tập huấn cho công nhân các nội dung theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Văn Quý cho biết, đến nay, mới chỉ có Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đầu tư một số trang thiết bị, xe chở rác, thùng đựng rác và nhà máy xử lý rác thải cồng kềnh để thực hiện chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn ở các quận nội đô. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao, do đơn vị gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Nhận thức và thói quen của người dân chưa tốt; cơ sở hạ tầng và công nghệ chưa đồng bộ; thiếu sự thống nhất, hướng dẫn triển khai theo quy định của pháp luật và nguồn lực còn hạn chế…
Theo các chuyên gia môi trường, để việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả, cần có giải pháp đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý rác thải, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Các địa phương cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển đến xử lý rác thải. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương lựa chọn doanh nghiệp thực sự có năng lực về tài chính, có kinh nghiệm, dám đầu tư công nghệ mới, tiên tiến trong xử lý rác thải để thực hiện.
Đặc biệt, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân về phân loại rác tại nguồn. Có như vậy, việc phân loại rác thải tại nguồn mới được triển khai sâu rộng và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.