Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Đột phá cho "công nghiệp không khói"

Tuệ Diễm| 01/05/2017 07:26

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đặt quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Vì vậy, thời điểm này chính quyền thành phố đang có sự chuẩn bị tích cực nhằm thực hiện mục tiêu cải tổ, tạo đột phá cho ngành “công nghiệp không khói”.


Mặc dù có nhiều lợi thế phát triển nhiều loại hình du lịch, nhưng TP Hồ Chí Minh đang chịu sự cạnh tranh bởi các địa điểm du lịch trong nước và khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân, theo giới chuyên môn, một phần do thành phố chưa có chiến lược đầu tư du lịch đúng đắn. Ngành "công nghiệp không khói" này hiện thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc, hạ tầng giao thông yếu, an ninh trật tự chưa bảo đảm, nhân lực thiếu và yếu về chuyên môn...

Khách du lịch tham quan địa đạo Củ Chi


Trước mắt, để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND TP Hồ Chí Minh đã thống nhất tập trung đầu tư cho các điểm đến trong thành phố và các khu vực ngoại thành. Do TP Hồ Chí Minh không phải là đô thị của những di tích, di sản nên định hướng của thành phố sẽ phát triển theo loại hình du lịch đô thị hiện đại. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, để phát triển du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, thành phố sẽ xây dựng trung tâm du lịch, hội chợ rộng 10ha tại quận 2. Đây là điều kiện tốt nhất để chúng ta có thể phát triển loại hình du lịch này ngang tầm với khu vực.

Tại vùng Tây Bắc của thành phố, trong trường hợp Khu di tích địa đạo Củ Chi quá tải, UBND thành phố đã tính đến phương án xây dựng thêm các điểm đến sinh động để đón khách trong nước và quốc tế. Đáng chú ý là sau khi dự án Công viên Sài Gòn Safari (diện tích 480ha tại hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) "đắp chiếu" 12 năm, UBND thành phố đã chọn Tập đoàn Vingroup là chủ đầu tư mới và công trình sẽ được khởi công từ tháng 7-2017. Đây là công trình vườn thú lớn nhất Đông Nam Á, kỳ vọng tạo điểm nhấn đặc biệt cho du khách đến tham quan.

Tại cửa ngõ Đông Nam, UBND thành phố đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng huyện Cần Giờ thành điểm đến hấp dẫn. Mặt khác, thành phố cũng quyết định mở rộng con đường nối trung tâm đi Cần Giờ, để rút ngắn thời gian di chuyển còn hơn 30 phút. Ông Trần Hữu Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng thêm các bãi đậu xe ô tô vừa phục vụ mục đích chỉnh trang đô thị, vừa phục vụ du khách.

Về định hướng lâu dài, kể từ năm 2016, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho phép thuê đơn vị tư vấn nước ngoài xây dựng kế hoạch phát triển du lịch. Kiến nghị này được đưa ra với mục đích giúp thành phố có thể bắt kịp với cách làm du lịch của các thành phố trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Mới đây, UBND thành phố đã đồng ý mời đơn vị tư vấn nước ngoài hỗ trợ xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2030.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Việc thuê chuyên gia nước ngoài giúp chúng ta tính toán được tầm du lịch thành phố trên cơ sở nào. Không chỉ là quy hoạch mà còn định hướng cho doanh nghiệp du lịch, chiến lược phát triển để có đầu tư thích hợp”. Hiện việc thuê đơn vị nước ngoài tư vấn đang được cân nhắc, để có thể bảo đảm vừa có giá cả hợp lý vừa giúp nâng cao hiệu quả thu hút khách du lịch một cách rõ rệt.

Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Du lịch khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030 và những năm tiếp theo; nghiên cứu làm ý kiến khảo sát khách du lịch nước ngoài, để đánh giá thực chất hiện nay du lịch TP Hồ Chí Minh đang đứng ở vị trí nào, khách cần gì khi đến thành phố...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Đột phá cho "công nghiệp không khói"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.