Thành phố Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe máy sử dụng xăng của tài xế công nghệ và giao hàng sang xe điện, hướng giao thông trở nên xanh và sạch...
Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh - HIDS, đơn vị chủ trì đề án) vừa hoàn thiện dự thảo đề án chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện dành cho tài xế công nghệ và giao hàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhằm giảm ô nhiễm. Trọng tâm là nhóm tài xế công nghệ, giao hàng - lực lượng thường xuyên di chuyển, có mức phát thải cao và sử dụng xe máy làm phương tiện mưu sinh hằng ngày.
Phân tích về bài toán kinh tế, đại diện đơn vị chủ trì đề án, ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh), cho biết: Khảo sát với hơn 400 tài xế cho thấy mỗi ngày họ chạy trung bình 80 - 120km, tiêu tốn 70.000 - 100.000 đồng tiền xăng. Do di chuyển nhiều vào giờ cao điểm, kẹt xe, chở nặng… mức tiêu hao nhiên liệu của họ cao hơn bình thường từ 20 - 40%. Trong khi đó, nếu sử dụng xe điện, chi phí chỉ khoảng 20.000 đồng/ngày. Trung bình mỗi tháng tài xế có thể tiết kiệm từ 1 đến 2 triệu đồng.
Đáng chú ý, đề án dành riêng 10.000 xe máy điện từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ các đối tượng cận nghèo, chính sách và không đủ khả năng tài chính. Mỗi xe sẽ được hỗ trợ khoảng 8 triệu đồng để trả trước cho gói tín dụng, phần còn lại sẽ trả góp trong vòng 24 - 30 tháng.
Là một người gắn bó với xe máy điện, anh Hồ Quốc Phong, tài xế xe công nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, xe điện giúp tiết kiệm chi phí, đi êm, đặc biệt góp phần bảo về môi trường. “Tôi ủng hộ chuyển đổi xe điện nhưng rất cần nhà nước, doanh nghiệp có những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời đi kèm”, anh Phong mong muốn.
Anh Cao Văn Thế, tài xế chạy xe máy công nghệ khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh mong cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ sát sườn, doanh nghiệp cần đầu tư đồng bộ hạ tầng các trạm sạc và dịch vụ liên quan để xe điện hoạt động hiệu quả.
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực vừa giải quyết bài toán an sinh vừa sớm phủ sóng xe máy điện theo lộ trình đề án. Qua đó, góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất, phân phối xe điện trong nước.
Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, thành phố đang quản lý hơn 9,6 triệu phương tiện, bao gồm hơn 1 triệu ô tô và gần 8,6 triệu xe máy. So với cùng kỳ năm 2024, số lượng ô tô tăng 9% và xe máy tăng 2%, cho thấy xu hướng gia tăng phương tiện cá nhân tiếp tục tạo áp lực lên hạ tầng giao thông và môi trường đô thị.
Viện Nghiên cứu và phát triển thành phố Hồ Chí Minh đề xuất lộ trình chuyển đổi bắt đầu từ năm 2026 và chia thành 2 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu, từ năm 2026 đến 2027, dự kiến khoảng 80% số tài xế, tương đương 320.000 xe sẽ hoàn tất chuyển đổi sang xe điện. Giai đoạn còn lại trong năm 2028 tiếp tục chuyển đổi nốt 20% xe còn lại. Tới năm 2029, thành phố sẽ cấm hoàn toàn xe máy xăng hai bánh tham gia vận tải công nghệ trên địa bàn.
Việc này được kỳ vọng sẽ giúp giảm khoảng 315 tấn khí CO2 và 2.000 tấn bụi mịn mỗi năm, góp phần đáng kể vào nỗ lực giảm ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng sống cho người dân thành phố Hồ Chí Minh.
Nhóm nghiên cứu xây dựng đề án cũng đề xuất thành lập quỹ tín dụng chuyển đổi xanh, sử dụng nguồn thu từ tín chỉ carbon (ước tính khoảng 87.500 tấn CO2/năm) để tái đầu tư vào hạ tầng giao thông xanh và hỗ trợ người dân, đặc biệt là nhóm tài xế công nghệ trong quá trình chuyển đổi phương tiện.
Dự kiến, thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ như miễn lệ phí trước bạ, cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe lần đầu (khoảng 3 triệu đồng/xe); hỗ trợ lãi suất vay mua xe điện ít nhất 2% thông qua Nghị quyết 198 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; thu mua xe cũ đã hết hạn sử dụng hoặc không đạt tiêu chuẩn khí thải; hoàn thuế VAT cho từng chuyến xe điện, giúp tài xế tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành...
Nhìn nhận về việc chuyển đổi trên, tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện là bước đi cần thiết. Bởi lực lượng tài xế công nghệ rất đông, hoạt động dày đặc, phát thải cao, nếu chuyển đổi thành công sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực lớn đến môi trường và thói quen tiêu dùng.
Liên quan đến việc xử lý số lượng lớn xe xăng sau chuyển đổi, ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần có giải pháp phân loại cụ thể, dựa vào mức độ khấu hao và tình trạng sử dụng. Cụ thể, với các xe đã quá cũ, khi thực hiện kiểm định khí thải sẽ phát sinh chi phí cao do phải sửa chữa thường xuyên, không còn hiệu quả kinh tế. Do đó nên được cân nhắc chuyển đổi công năng hoặc bán làm phế liệu để tránh gây ô nhiễm và tốn kém chi phí duy trì.
Không chỉ dừng lại ở xe máy, thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu 100% xe buýt sử dụng năng lượng sạch vào năm 2030. Hiện toàn thành phố có khoảng 2.200 xe buýt, trong đó khoảng 31% đã chuyển sang chạy điện hoặc khí CNG.
Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, đề án chuyển đổi xe máy điện là một phần trong chương trình kiểm soát khí thải của thành phố, góp phần hiện thực hóa cam kết quốc gia về giảm ít nhất 9% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.