(HNM) - Chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Tân Thành (quận Tân Phú), nhà có 10 phòng trọ cho thuê, cho biết:
Với 1kWh điện có thể bơm khoảng 5m3 nước, nếu xài nước máy phải trả tiền gấp vài chục lần. Nhưng gần đây, mỗi khi bơm cứ thấy nước yếu dần, có hôm máy bơm chạy 5-7 phút mà nước không chảy, tôi phải gọi thợ sửa giếng đến khoan nối gần 5m đường ống nữa mới bơm được". Tình trạng tự khai thác nước ngầm như nhà chị Hoa đang khá phổ biến ở TP Hồ Chí Minh, nhất là ở những khu vực chưa có nước sạch, đang trong quá trình đô thị hóa. Do khai thác quá mức nên mực nước ngầm nhiều nơi đã hạ từ 0,2-4m. Tại các khu vực có mật độ khai thác dày đặc, phải khoan sâu gần 30m mới có nước.
Khai thác tràn lan khiến mực nước ngầm tại TP Hồ Chí Minh sụt giảm. |
Không chỉ người dân mà nhiều DN cũng mặc sức khai thác nước ngầm, dẫn đến hiện tượng sụt lún địa tầng như ở các quận 6, Bình Chánh, Bình Tân và Thủ Đức. Theo ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản (Sở TNMT), trung bình mỗi ngày có 700 đơn vị được sở cấp giấy phép khai thác nước ngầm, với tổng khối lượng khai thác khoảng 350.000 m3/ngày. Tuy nhiên, con số thực tế chưa thể thống kê hết được. Mặc dù đã có quy định các DN, cơ sở sản xuất muốn khai thác nước ngầm phải đăng ký, nhưng nhiều DN vẫn khai thác "chui", phần lớn là những DN hoạt động trong lĩnh vực cần sử dụng nhiều nước như dệt, nhuộm, chế biến thực phẩm, nước giải khát… Những DN tận dụng nhà ở để làm cơ sở sản xuất, khai thác nước ngầm khối lượng lớn thì việc phát hiện, xử lý càng khó khăn.
Một nguyên nhân dẫn tới tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan là do mức xử phạt chưa cao (tối đa 500.000 đồng) nên các đối tượng vi phạm, nhất là DN, thường chấp nhận nộp phạt chứ không chịu ngừng khai thác. Để hạn chế khai thác nước ngầm, Bộ TNMT đã quy định thu thuế sử dụng tài nguyên nước ngầm, cụ thể từ 1% đến 8% của đơn giá 4.000 đồng/m3. Tuy nhiên, do mức thu này chẳng thấm tháp gì nên nhiều DN thà đóng thuế chứ không chịu mua nước máy.
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TNMT, một nguyên nhân nữa dẫn đến công tác quản lý khai thác nước ngầm còn nhiều hạn chế là lực lượng cán bộ quản lý, từ TP đến các quận, huyện còn quá mỏng, không đủ để kiểm tra, quản lý các giếng khoan; đồng thời quy trình và kỹ thuật khai thác nước ngầm của các DN cũng không bảo đảm. Sở TNMT đã đề xuất UBND TP có đề án hạn chế khai thác nước ngầm, theo đó, DN cũng như các hộ gia đình ở những khu vực đã được cấp nước sạch không được phép khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, đề án này vẫn chưa thể triển khai vì bản đồ nguồn nước máy cấp đến các khu vực vẫn chưa hoàn thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.