Ngày 20/11, ông Nguyễn Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thành phố tháng 11/2010 đã có mức tăng 1,73%.
Đây là tháng có chỉ số giá tăng cao nhất tính từ đầu năm đến nay. Như vậy, trong 11 tháng qua, chỉ số giá tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có mức tăng 7,84% và tăng 9,13% so với cùng thời gian này năm ngoái.
Trong tháng này, cả 11 nhóm hàng tham gia tính chỉ số giá đều có mức tăng, nhóm tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+2,76%), nhóm tăng thấp nhất là nhóm bưu chính viễn thông (+0,02%), các nhóm còn lại đa số đều có mức tăng trên 1%.
Trong nhóm hàng ăn, sau khi tăng nhẹ ở tháng 10 (+0,51%), qua tháng 11 tiếp tục tăng so với tháng trước (+2,76%), cụ thể nếu như tháng 10 chỉ số nhóm lương thực tăng 0,39%, nhóm thực phẩm tăng 0,44%, nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,66%, thì tháng 11 các nhóm nói trên lại tiếp tục tăng, chỉ số nhóm lương thực tăng mạnh nhất với mức tăng 6,65%, nhóm hàng thực phẩm tăng 2,88% và nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,67% .
Giá lương thực trong tháng tăng mạnh và tăng ở hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm lương thực như gạo các loại, bột mì ngũ cốc và lương thực chế biến. Tại thành phố trong thời gian gần đây lượng gạo tập trung về cũng khá nhiều, giá bán buôn các loại gạo, nếp đều tăng so với tháng trước, giá bán lẻ gạo thường ở mức 9.900-10.500 đồng/kg tùy theo loại, gạo thơm hiện ở mức 15.000-18.000 đồng/kg.
Giá thực phẩm trong tháng 11/2010 tăng khá so với tháng trước và tăng chủ yếu ở nhóm gia súc tươi sống (+1,45%); thịt chế biến (+1,24%); trứng các loại (+2,55%); dầu mỡ ăn (+3,41%); thủy sản tươi sống (+2,73%); thủy sản chế biến (+1,14%); nước mắm nước chấm (+0,88%); các loại đậu hạt (+1,55%); rau tươi và rau khô các loại (+13,49%); trái cây các loại (+0,47%); đồ gia vị (+1,54%); đường các loại (+5,88%); bơ sữa các loại (+2,28%).
Các nhóm hàng khác tăng nhẹ so với tháng trước ngoại trừ nhóm gia cầm tươi sống giá có giảm so với tháng trước (-2,72%) do nguồn cung dồi dào từ các tỉnh về thành phố trong những tháng gần đây, dự báo từ đây đến Tến Nguyên đán giá thực phẩm có khả năng tăng cao, nguyên nhân vẫn là do sức ép của tình hình thời tiết mưa lũ, dịch bệnh diễn biến bất lợi ở nhiều địa phương trong cả nước.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,12% so với tháng trước tập trung vào các nhóm đồ dùng cá nhân (+3,73%), nhóm hiếu hỉ (+0,84%), nhóm dịch vụ hành chính pháp lý và các dịch vụ khác (+0,87%).
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 1,74% tập trung ở các nhóm mặt hàng: giá cho thuê nhà sở hữu tư nhân (+4,28%), ximăng các loại tăng bình quân 0,5% so với tháng trước, sắt xây dựng tăng bình quân từ 1,30-1,80% (tương đương 100-300 đồng/kg), n ước sinh hoạt (+1,28%), điện sinh hoạt (+ 0,11%), gas (+5,40%), các loại chất đốt khác (+3,48%).
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,44% trong đó đồ uống không cồn (+ 2,16%), rượu bia các loại (+1,16%), thuốc lá (+1,25%). Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,49% trong đó: thuốc kháng sinh cơ bản (+0,98%), Vitamin các loại (+0,88%), thuốc cảm các loại (+2,85%), dụng cụ y tế (+1,11%), dịch vụ khám chữa bệnh (+1,61%) …
Nhóm giao thông tăng 0,32% tăng chủ yếu ở phụ tùng xe gắn máy và phụ tùng xe đạp (+1,26%), cước phí tắc xi (+1,69%), vé ôtô khách đi tỉnh (+3,96%). Còn lại các nhóm mặt hàng và dịch vụ khác tăng nhẹ.
Trước đó, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tháng 11/2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội tăng 1,93% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong chín tháng trở lại đây. So với cùng cùng kỳ năm trước, CPI của Hà Nội tăng 11,41%./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.