(HNM) - Sau một tuần chính thức hoạt động, tour “Lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống” đã giúp nhiều du khách có cơ hội thỏa mãn nhu cầu ngắm nhìn và tìm hiểu về Nhà hát Lớn Hà Nội, công trình văn hóa, kiến trúc độc đáo đã trên 100 tuổi ở Thủ đô.
Những điểm đặc biệt thu hút
Khác với chương trình tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội ra mắt cách đây 2 tháng, tour “Lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống” đem lại sự trải nghiệm thực sự dành cho du khách tại công trình kiến trúc vốn được coi là “thánh đường nghệ thuật” ở Hà Nội.
Du khách tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn |
Chương trình tour được thiết kế dài 90 phút. Đầu tiên, du khách sẽ được hướng dẫn viên duyên dáng trong trang phục áo dài dẫn đi tham quan, giới thiệu về lịch sử, về những nét đặc sắc kiến trúc của công trình. Trong khi tham quan, ngoài việc được trực tiếp đi trên thảm đỏ sảnh chính, qua phòng gương, ngắm nhìn khán phòng lộng lẫy từ trên cao, ngồi vào lô VIP…, du khách còn được tìm hiểu về các hiện vật lịch sử gắn liền với tuổi đời nhà hát như gạch xây có dòng chữ “MAXGLEMENT HANOI”, đá lợp mái khai thác ở Lai Châu, hoa văn bằng gốm trên tường nhà hát...
Khi biết thông tin Nhà hát Lớn Hà Nội mở cửa đón du khách tham quan, ông Nguyễn Minh Vũ, 78 tuổi, ở Khương Trung, Hà Nội đã lập tức tham gia và trở thành một trong những vị khách đầu tiên trải nghiệm tour này. Ông chia sẻ: “Gia đình tôi có thói quen đến thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng chưa một lần được tìm hiểu về toàn bộ công trình. Những câu chuyện lịch sử diễn ra tại đây gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám và những năm đầu lập nước cho thấy đây không chỉ là nơi biểu diễn nghệ thuật mà còn là địa danh, di tích lịch sử, cách mạng của Thủ đô. Những điều này cần được nhiều thế hệ biết đến để tự hào”.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Hồn Việt” diễn ra sau hành trình tham quan lịch sử, kiến trúc của nhà hát, được nhiều du khách đánh giá là có chất lượng. Khán giả bày tỏ thích thú với tiết mục độc tấu đàn bầu “Khúc vĩ thanh của đất”, trích đoạn tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội”, màn chầu văn “Cô bé Đông Cuông” và vỗ tay không dứt trong phần biểu diễn sáo “Tình trăng, tình núi” của hai nghệ sĩ Quốc Hùng, Xuân Trung. Với hàng chục loại sáo lớn nhỏ, độc đáo của các vùng miền, dân tộc khắp đất nước, hai nghệ sĩ đã tấu lên những âm thanh quyến rũ như tiếng chim hót, tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi… khiến người xem thán phục.
Cũng là một trong những du khách đầu tiên trực tiếp mua vé tới tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội, ông Nguyễn Đăng Sơn ở phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm không giấu niềm phấn khởi: “Thật vui vì Nhà hát Lớn mở rộng cửa để người dân bình thường được thưởng ngoạn, hiểu thêm về văn hóa, nét đẹp và hưởng thụ nghệ thuật đỉnh cao. Tôi sẽ giới thiệu để những người xung quanh biết đến chương trình này”.
Để khách thấy thỏa mãn
Việc mở tour tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Lớn Hà Nội góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch, điểm đến mới tại Thủ đô. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của công chúng và các doanh nghiệp lữ hành nhiều tháng qua.
Tour tham quan mở cửa vào 10h30 thứ hai và thứ sáu hằng tuần. Bắt đầu từ tháng 10, tour được tổ chức thêm một số ngày vào thứ ba, thứ năm và thứ bảy. Giá vé 400.000/lượt, ưu đãi 50% đối với học sinh, sinh viên và đối tượng chính sách. Có thể nhận thấy sản phẩm du lịch này hướng đến hai đối tượng: Khách trong nước và khách quốc tế. Nhưng để thỏa mãn được cả hai đối tượng trong cùng một tour thì còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Theo ông Trịnh Thế Ninh, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và du lịch Kỷ Nguyên, thời gian họ lưu trú của khách quốc tế tại Hà Nội không nhiều, chỉ 1-2 ngày, có thể không vào ngày Nhà hát Lớn mở cửa. Ban Quản lý nhà hát nên tính toán tổ chức thêm tour vào các khung giờ khác nhau, đặc biệt là vào cuối tuần khi không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm hoạt động.
Ông Trịnh Minh Tú, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ Hà Nội (Hanoi Toserco) cũng cho rằng, sản phẩm du lịch tại Nhà hát Lớn Hà Nội có ưu thế về sự bề thế của địa điểm biểu diễn và các yếu tố lịch sử nên tạo được sự chú ý của du khách. Tuy nhiên, giá vé hiện tại khá cao, buộc các doanh nghiệp phải tổ chức lại cả tour quanh Hà Nội để bố trí điểm dừng chân tại Nhà hát Lớn cho phù hợp và thuyết phục du khách. Đây cũng là băn khoăn của nhiều doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn sẽ tích cực quảng bá về sản phẩm mới này trên các kênh thông tin của mình để thăm dò mức độ quan tâm của du khách.
Theo quan điểm của bà Thái Thanh Lan, Giám đốc Công ty Vietindo Travel, tour tham quan và xem biểu diễn tại Nhà hát Lớn khá phù hợp với khách Châu Âu, giúp cho doanh nghiệp tổ chức các tuyến du lịch quanh thành phố phong phú hơn. Du khách quốc tế quay trở lại Việt Nam nhiều lần cũng có thêm lựa chọn, không bị nhàm chán. Với khách trong nước, giá vé và cách thức tổ chức như hiện nay khá cao cấp, thích hợp với đối tượng muốn nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức lịch sử và kiến trúc đặc biệt hơn là khách đại trà.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết, sau một tuần mở cửa, tour tham quan này chủ yếu mới đón khách lẻ. Hy vọng sắp tới các doanh nghiệp lữ hành sẽ hoàn thiện chương trình để đưa du khách đến nhiều hơn. Sau 4 tháng thử nghiệm, đến đầu năm 2018, Bộ VH-TT&DL và Ban Quản lý Nhà hát Lớn sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, tiến tới tổ chức thêm tour chỉ dành cho khách tham quan, không xem biểu diễn với giá vé thấp hơn. Điều này đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, đặc biệt là chính người dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.