(HNM) - Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của TP Hà Nội năm 2014 tiếp tục được Bộ Nội vụ đánh giá cao, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, trong một số nội dung công tác CCHC, chỉ số thành phần chưa đạt kết quả cao, thậm chí có sự sụt giảm trong hai năm liền.
Điển hình là trong chỉ số thành phần thực hiện cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" của TP Hà Nội năm 2014 là 93,73%, trong khi năm 2013 là 94,96%, năm 2012 là 95,33%. Do đó, thứ hạng của TP Hà Nội ở chỉ số thành phần này cũng giảm theo. Cụ thể là năm 2014, thành phố đứng thứ 8/63 tỉnh, thành về cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", trong khi năm 2013 đứng thứ 2 và năm 2012 đứng thứ 4.
Tương tự, điểm điều tra xã hội học (ĐTXHH) về chất lượng phục vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có xu hướng tiếp tục giảm dần qua các năm. Tổng điểm tối đa là 6 điểm, thì năm 2014, Hà Nội đạt 5,15 điểm, năm 2013 đạt 5,32 điểm, năm 2012 đạt 5,37 điểm. Trong đó, các tiêu chí thành phần ĐTXHH có số điểm giảm đều là những yếu tố quan trọng: Nơi đón tiếp tổ chức, cá nhân; thái độ phục vụ của công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); chất lượng giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần khác cũng chưa có sự cải thiện là: Việc xây dựng ban hành kế hoạch còn chậm; đề án xác định cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm triển khai chậm; thi tuyển chức danh lãnh đạo từ cấp sở trở xuống chưa triển khai.
Như vậy, dù TP Hà Nội luôn được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt về công tác CCHC, song, trước thực tế một số chỉ số thành phần đang có xu hướng giảm nên các cơ quan, đơn vị chưa thể hài lòng mà cần có giải pháp cụ thể. Trước mắt, cùng với việc duy trì những kết quả cao đã đạt được, mỗi đơn vị cần tổ chức rút kinh nghiệm, đề ra biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Đặc biệt, cần sớm có giải pháp nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về chất lượng phục vụ của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cũng như tiếp tục nâng cao năng lực, nhận thức, thái độ ứng xử văn minh của đội ngũ cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra về CCHC cần chỉ rõ những đơn vị làm tốt, làm chưa tốt ở từng nội dung cụ thể để các đơn vị luôn nỗ lực phấn đấu, tránh tâm lý tự hài lòng, thỏa mãn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.