Chiều 18/10, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi tổ chức Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi chủ trì hội nghị.
Tham dự còn có đại diện nhóm 6 ngân hàng phát triển, các bộ, ngành và một số ban quản lý trọng điểm.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2016, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt trên 4,9 tỷ USD, cao gấp 1,8 lần so cùng kỳ năm 2015. Tổng giá trị giải ngân đạt 2,68 tỷ USD, bằng 81,4% mức giải ngân cùng kỳ năm 2015. Các dự án ký kết tập trung nhiều ở lĩnh vực giao thông vận tải (trên 45%); cấp thoát nước, vệ sinh môi trường; phát triển đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu (trên 24%).
Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi. (Nguồn: TTXVN) |
Việc thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong những tháng đầu năm gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc giao vốn nước ngoài ở một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện và giải ngân; thiếu vốn đối ứng; các quy định mới về thể chế chưa thông suốt, còn phức tạp, rườm ra, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các chương trình, dự án; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập; sự khác biệt về quy trình, thủ tục trong quản lý tài chính và đấu thầu giữa Việt Nam và nhà tài trợ; chất lượng báo cáo nghiên cứu khả thi của một số dự án không đáp ứng được yêu cầu; một số dự án đầu tư có công nghệ mới chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành của Việt Nam...
Thay mặt nhóm 6 ngân hàng phát triển, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bày tỏ vui mừng trong thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về kinh tế-xã hội trong đó có sự đóng góp của nhóm 6 ngân hàng phát triển.
Theo ông Ousmane Dione, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong hợp tác với nhóm 6 ngân hàng đặc biệt là trong giải quyết vấn đề chậm giải ngân, về tiến độ triển khai dự án. Mặc dù có nhiều cải thiện nhưng Việt Nam gặp phải những thách thức mới nổi lên do những vấn đề về tài khóa, thiếu hụt nguồn vốn.
Trong khi đó, nguồn lực từ ODA vẫn rẻ nhất và phù hợp nhất đối với Việt Nam nên cần có hướng tận dụng sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, công tác giám sát triển khai phức tạp nên vấn đề giải ngân gặp khó khăn, từ đó khiến Việt Nam mất nhiều cơ hội phát triển.
Ông Ousmane Dione cam kết nhóm 6 ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thời gian tới; đồng thời bày tỏ tin tưởng hai bên có thể cùng nhau giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, có phương pháp sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng sáng tạo hơn để giải quyết triệt để tình trạng chậm khởi công dự án, phá vỡ rào cản trong giải ngân vốn.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành quản lý các dự án ODA và vốn vay ưu đãi cũng đề cập đến các vấn đề về phân bổ ngân sách trong đó có nguồn vốn ODA, việc tuyển tư vấn có chất lượng trong các dự án, sự chồng chéo, bất cập trong các văn bản pháp luật hiện hành...
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính phát triển có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đầu tư công trong đó có nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi có vai trò lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và giảm nghèo bền vững.
Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm đến việc sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Trong năm 2016, đã có rất nhiều biện pháp thúc đẩy nhanh việc thực hiện giải ngân đặc biệt là nâng tính hiệu quả của các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Điều này được thể hiện về mặt cải cách thể chế liên quan đến vấn đề này.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8/7/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, giúp đẩy nhanh đáng kể tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trong hai tháng 8 và 9/2016. Luật Điều ước quốc tế năm 2016 đã chính thức có hiệu lực từ 1/7/2016 với nhiều quy định liên quan đến ký kết các điều ước quốc tế về ODA được đơn giản hóa.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho rằng: “Việc kéo dài, chậm triển khai, chậm giải ngân, đội chi phí các dự án, làm nguồn vốn vay tăng lên rất nhiều. Trung bình nếu dự án kéo dài một năm sẽ đội chi phí lên trên 17%, kéo dài 2-3 năm là 50%. Do đó, đây là điều cấp bách cần giải quyết trong bối cảnh nợ công tăng cao, nguồn lực hạn chế."
Theo Phó Thủ tướng, trong hai tháng cuối năm 2016, vấn đề lớn nhất là giải ngân. Về lâu dài, trong giai đoạn 2017-2020, với tổng số vốn Việt Nam đã vận động được khoảng trên 22 tỷ USD, cần có một số biện pháp, chính sách để thực hiện được nguồn vốn này.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương có nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị thực hiện dự án, trong đó cải thiện chất lượng thiết kế dự án nhằm rút ngắn tối đa thời gian thực hiện và giảm thiểu các chi phí do phải trình bổ sung thiết kế.
Các bộ, ngành cũng cần chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, nhà tài trợ tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện; xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình, dự án ODA; tăng cường cơ chế phân cấp, ủy quyền các cơ quan chủ quản dự án ODA; bảo đảm thực hiện các cam kết đối ứng của phía Việt Nam bao gồm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí nhân lực có chất lượng, bố trí đầy đủ vốn đối ứng.
Phó Thủ tướng đánh giá giải phóng mặt bằng là vấn đề lớn đối với một số dự án về cơ sở hạ tầng. Việc chậm giải phóng mặt bằng làm tăng chi phí rất lớn. Điều này cần được nghiên cứu để có cơ chế nhằm tăng cường tính sẵn có của dự án. Việc giải phóng mặt bằng cần được tính đến trước khi thực hiện các dự án.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác xây dựng giám sát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trung hạn và hằng năm nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng; đảm bảo bố trí kế hoạch sát với thực tế thực hiện; kịp thời có giải pháp xử lý trong trường hợp số vốn vay vượt kế hoạch giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.