(HNM) - Cuộc tổng tuyển cử năm 2022 của Italia có nhiều yếu tố “lần đầu tiên”, được giới quan sát đánh giá sẽ là bước ngoặt mang tính lịch sử hứa hẹn nhiều chuyển biến quan trọng trong hệ thống chính trị, tác động sâu rộng tới chính sách đối nội, đối ngoại của đất nước hình chiếc ủng.
Theo kết quả chính thức do Bộ Nội vụ Italia công bố ngày 27-9, liên minh trung hữu do nhà lãnh đạo đảng Anh em Italia (FdI) Giorgia Meloni đứng đầu đã giành được đa số phiếu bầu tại cả Thượng viện và Hạ viện Italia. Trong khi đó, đảng Dân chủ (PD), đảng đứng đầu liên minh trung tả tại Italia, đã thừa nhận thất bại và thông báo sẽ là lực lượng đối lập lớn nhất trong nghị viện nhiệm kỳ tới.
Cụ thể, liên minh trung hữu (gồm đảng FdI, đảng Liên đoàn và đảng Forza Italia) chiến thắng áp đảo với 43,8% số phiếu, tương ứng 237/400 ghế tại Hạ viện và 112/200 ghế tại Thượng viện. Trong khi đó, liên minh trung tả, do đảng Dân chủ (PD) lãnh đạo, cùng các đồng minh giành được 26% phiếu, tương đương 84 ghế nghị sĩ tại Hạ viện và 42 ghế nghị sĩ tại Thượng viện. Với 15,5% phiếu bầu, đảng Phong trào 5 Sao (M5S) sẽ có 52 nghị sĩ ở Hạ viện và 28 nghị sĩ ở Thượng viện. Liên minh trung dung, gồm đảng Azione của cựu Bộ trưởng Công nghiệp Carlo Calenda và đảng Italia Viva của cựu Thủ tướng Matteo Renzi, giành được 7,7% phiếu bầu...
Được mô tả là cuộc bầu cử với nhiều “lần đầu tiên”, tổng tuyển cử tại Italia diễn ra sớm hơn kế hoạch. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức vào tháng 9, khác với thông lệ diễn ra vào mùa xuân trong hơn 100 năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên công dân 18-25 tuổi ngoài việc được đi bầu ra các đại diện tại Hạ viện, còn tham gia bầu cho cả Thượng viện. Việc lần đầu tiên số nghị sĩ được bầu tại cả Hạ viện và Thượng viện giảm còn 400 và 200 người, thay vì 630 và 315 người như trước đây, dẫn tới cạnh tranh khốc liệt hơn. Đáng chú ý hơn cả, với tư cách là lãnh đạo đảng lớn nhất trong liên minh chiến thắng, bà Giorgia Meloni đang thẳng tiến tới vai trò là nữ Thủ tướng đầu tiên của Italia.
Cử tri Italia tin tưởng, bộ máy lãnh đạo mới có thể thiết lập một nền chính trị ổn định sau nhiều sóng gió, đồng thời kỳ vọng sự dẫn dắt với nhiều khác biệt có thể giúp nước này đương đầu các thách thức hiển hiện, như giá năng lượng tăng kéo theo lạm phát khiến nền kinh tế lớn thứ ba tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) có nguy cơ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, đây là những mục tiêu không dễ dàng, bởi chính trường Italia có truyền thống biến động với gần 70 chính phủ kể từ năm 1946. Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ ba Liên minh châu Âu (EU) hiện gặp nhiều khó khăn chồng chất, như tỷ lệ nợ công đã lên mức trên 150% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cùng những nguy cơ về khủng hoảng năng lượng, suy thoái kinh tế. Chính phủ mới cũng sẽ phải tìm cách thuyết phục EU để giải ngân gói trợ giúp phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 dành cho Italia.
Những cải cách của Italia cũng sẽ vấp phải sự hoài nghi của nhiều đối tác. Theo giới quan sát, châu Âu hiện rất lo lắng về những thay đổi trong chính sách người tị nạn và chính sách kinh tế. Nếu Italia tìm cách chấm dứt làn sóng tị nạn đổ về nước này, sức ép người nhập cư sẽ trở thành gánh nặng của EU. Trong khi đó, bà Giorgia Meloni từng nhiều lần tuyên bố muốn xóa bỏ hoàn toàn các quy định của EU về kỷ luật ngân sách, như việc không thâm hụt ngân sách hằng năm quá 3% GDP hay nợ công không quá 60%. Châu Âu cũng đang rất bất an về các quan điểm của Rome về cuộc xung đột tại Ukraine.
Như vậy, dù có nhiều thuận lợi khi được đông đảo cử tri ủng hộ, bộ máy lãnh đạo mới tại Italia rõ ràng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn trong việc sớm đưa đất nước vượt qua những thử thách, đáp ứng kỳ vọng của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.