Tổng thống Putin hôm 11-7 phê chuẩn một học thuyết chính sách ngôn ngữ mới nhằm hỗ trợ việc sử dụng tiếng Nga, tại cả quốc gia này và nước ngoài.
Sự thay đổi này là cần thiết trong bối cảnh Mátxcơva tiếp tục đấu tranh chống lại “những nỗ lực hạn chế việc sử dụng tiếng Nga và xóa bỏ văn hóa Nga, cũng như sự phân biệt đối xử nhằm vào truyền thông Nga”.
Những nỗ lực của một số quốc gia nhằm hạn chế việc sử dụng tiếng Nga đã được xác định là một trong những mối đe dọa chính mà Nga phải đối mặt trong lĩnh vực văn hóa. Điều này cũng đề cập đến việc sử dụng “vô căn cứ” các từ ngữ nước ngoài trong diễn thuyết công khai, đặc biệt khi vẫn có sẵn những từ tương đương và phổ biến trong tiếng Nga.
Học thuyết chính sách mới này nhằm mục đích bảo tồn tiếng Nga, cũng như ngôn ngữ của nhiều nhóm dân tộc địa phương, tăng cường sự thống nhất dân tộc và thúc đẩy sử dụng tiếng Nga trên thế giới.
Danh sách các biện pháp được nêu trong tài liệu bao gồm việc tăng cường sự quan tâm và phát triển mối quan hệ với người Nga ở nước ngoài, cũng như với người nước ngoài nói tiếng Nga và chia sẻ các giá trị truyền thống của quốc gia này.
Tài liệu cho thấy, tiếng Nga cũng nên được sử dụng phổ biến hơn trên mạng internet, đặt mục tiêu tăng số lượng tài nguyên trực tuyến cho phép người nước ngoài học tiếng Nga và tìm hiểu thêm về văn hóa Nga.
Hồi tháng 6, Tổng thống Putin từng thể hiện quan điểm ủng hộ ý tưởng thành lập một tổ chức thúc đẩy và hỗ trợ việc sử dụng tiếng Nga trên phạm vi quốc tế. Mátxcơva đang nỗ lực quảng bá tiếng Nga ra nước ngoài thông qua nhiều kênh khác nhau, nhưng những hoạt động này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nữa từ việc thành lập một trung tâm chuyên trách.
Một số quốc gia đã hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng tiếng Nga sau khi xung đột Ukraine bùng phát hồi tháng 2-2022. Tại Ukraine, một chiến dịch chưa từng có đã được phát động nhằm loại bỏ mọi thứ liên quan đến Nga.
Đầu tuần này, thanh tra giáo dục Ukraine thậm chí khuyến cáo các giáo viên chỉ sử dụng tiếng Ukraine khi giao tiếp với học sinh. Luật này quy định bắt buộc sử dụng tiếng Ukraine trong hầu hết các khía cạnh của đời sống công cộng, mặc dù một bộ phận đáng kể dân số vẫn sử dụng tiếng Nga như ngôn ngữ mẹ đẻ.
Trong khi đó, các quốc gia Baltic đã tăng cường nhiều biện pháp thực thi pháp luật đối với bất kỳ ai bị nghi ngờ có liên hệ với Nga. Hàng trăm người, chủ yếu là người Nga, được cho là đã bị trục xuất khỏi Latvia vì trượt kỳ thi tiếng Latvia. Một nghị sĩ Latvia cũng từng bị điều tra với cáo buộc kích động thù hận sau khi sử dụng tiếng Nga trong một bài phát biểu tại Quốc hội hồi tháng 6.
Theo Russia Today
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.