(HNM) - Đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vượt qua đối thủ Marine Le Pen giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, để tiếp tục nhiệm kỳ mới 5 năm trong bối cảnh đất nước đang đối mặt nhiều thách thức. Dư luận kỳ vọng ông E.Macron sẽ nhanh chóng có đối sách đưa nước Pháp vượt qua bối cảnh khó khăn hậu Covid-19.
Với hơn 95% số phiếu đã kiểm, Tổng thống E.Macron giành được 59% phiếu ủng hộ - tương đương 18.779.641 phiếu. Trong khi đó, ứng cử viên M.Le Pen giành được 41% số phiếu bầu (tương đương 13.297.760 phiếu). Theo quy định, tại vòng bầu cử trực tiếp thứ hai này, ứng cử viên nào giành được hơn 50% tổng số phiếu bầu là người chiến thắng. Trước đó, đương kim Tổng thống Pháp và bà M.Le Pen đã vượt qua 10 đối thủ khác trong vòng bầu cử thứ nhất diễn ra ngày 10-4.
Kết quả bầu cử lần này đánh dấu lần đầu tiên sau 20 năm nước Pháp mới có một Tổng thống tái cử. Trong bài phát biểu chiến thắng dưới chân tháp Eiffel, Tổng thống E.Macron thể hiện sự khiêm tốn, thừa nhận những bất cập trong nhiệm kỳ đầu tiên, cảm ơn những người đã bỏ phiếu cho mình chỉ vì không muốn bà M.Le Pen lên nắm quyền. Nhà lãnh đạo này cam kết sẽ tạo ra thay đổi, giải quyết những phản ánh về mức sống đang giảm, khẳng định "không ai ở Pháp sẽ bị bỏ lại bên lề đường".
Kết quả cuộc bầu cử ở Pháp đã giúp châu Âu “thở phào”, trong bối cảnh Lục địa già nói riêng và thế giới nói chung đặc biệt quan tâm tới cục diện chính trị nước Pháp - quốc gia Liên minh châu Âu (EU) duy nhất có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo giới phân tích, nếu bà M.Le Pen thắng cử, quan hệ giữa Pháp với EU và phương Tây sẽ có nhiều thay đổi. Đây là điều không có lợi trong bối cảnh Paris được trông chờ sẽ đóng vai trò điều phối trong giải quyết các vấn đề nổi cộm hiện nay ở khu vực và quốc tế, đặc biệt là chiến sự tại Ukraine. Điều này phần nào thể hiện qua những lời chúc mừng được các nhà lãnh đạo châu Âu và thế giới gửi tới Tổng thống E.Macron.
Trên mạng xã hội, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác sâu rộng và mang tính xây dựng trong EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, thời điểm này là lúc cần tới một châu Âu vững chắc và “một nước Pháp ủng hộ mạnh mẽ đối với một EU chủ quyền và chiến lược hơn”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định mong muốn tiếp tục hợp tác trong các vấn đề quan trọng nhất giữa hai nước, cũng như các vấn đề của thế giới. Thủ tướng Italia Mario Draghi tuyên bố chiến thắng của ông E.Macron là “một tin tức tuyệt vời cho cả châu Âu”. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ vui mừng vì hai nước “sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác tốt đẹp”.
Sự ủng hộ to lớn của quốc tế sẽ có ý nghĩa lớn trong bối cảnh nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo của Tổng thống E.Macron chắc chắn đối mặt nhiều thách thức. Nền kinh tế Pháp suốt hai năm qua chứng kiến tình trạng ngưng trệ do đại dịch. Hàng loạt dự báo tới nay đều hạ tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu trong năm 2022 còn khoảng 2% thay vì 4%, chủ yếu do quan ngại các tác động từ chiến tranh, dịch bệnh, thâm hụt ngân sách. Mặt khác, việc giá năng lượng leo thang do xung đột Nga - Ukraine, chi phí sinh hoạt tăng cao, rạn nứt xã hội ngày càng lớn, sự chênh lệch giàu - nghèo… đã trở thành gánh nặng tạo ra nhiều hệ lụy trong xã hội Pháp thời gian qua.
Trong bối cảnh đó, giờ là lúc nhà lãnh đạo Pháp cần sớm chuyển từ “tuần trăng mật” chiến thắng sang tiếp tục bắt tay vào công việc, nhanh chóng có đối sách cải thiện đời sống người dân, phục hồi kinh tế, phát huy vị thế quốc gia trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.