(HNM) - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay đầu tháng 3 này đã có chuyến công du 5 ngày tới 4 nước Trung Phi. Chuyến đi không chỉ nhằm vực dậy tầm ảnh hưởng của Pháp trong khu vực mà còn tiếp tục các nỗ lực tạo lập quan hệ hợp tác kiểu mới, theo hướng tích cực và bình đẳng; đồng thời xây dựng hình ảnh mới của nước Pháp trong quan hệ với châu Phi như một đối tác đáng tin cậy.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới thủ đô Libreville của Gabon vào ngày 1-3, trước khi lần lượt ghé thăm Angola, Cộng hòa Congo và Cộng hòa Dân chủ Congo. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngoài các hoạt động tiếp xúc song phương, ông chủ Điện Elysee trong ngày 2-3 đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về bảo tồn rừng trên toàn thế giới “One Forest” tại Gabon, trước khi tới Angola ký một thỏa thuận về phát triển ngành Nông nghiệp.
Việc tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Phi lúc này là hết sức cần thiết với Paris, nhất là khi sức ảnh hưởng của Pháp tại khu vực đang suy giảm nghiêm trọng. Lục địa đen nhiều thập kỷ qua luôn là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Pháp và tới nay vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ cả về ngôn ngữ, kinh tế, văn hóa và con người. Châu Phi cũng là khu vực hiếm hoi còn lại trên thế giới mà Pháp còn duy trì được tầm ảnh hưởng của một cường quốc, dù gần đây nhiều nước đã thâm nhập vào Lục địa đen, gây dựng được vị thế, gián tiếp khiến vai trò của Pháp trở nên mờ nhạt.
Về quân sự, Sách Trắng quốc phòng của Pháp cũng coi châu Phi là khu vực có tầm quan trọng chiến lược chỉ sau châu Âu. Pháp hiện có hơn 6.000 binh sĩ thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ chống khủng bố tại châu Phi... Trong số này có 1.500 binh sĩ ở căn cứ Djibouti (Đông Phi), được xem là "bàn đạp" để Pháp duy trì sức ảnh hưởng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi ngày càng có tầm quan trọng chiến lược đối với Paris.
Thực tế trên cũng lý giải việc các nhà cầm quyền của Pháp gần đây đều đặt mục tiêu duy trì và phát huy vai trò của Paris trong quan hệ với các quốc gia châu Phi lên ưu tiên hàng đầu. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Emmanuel Macron đã nhiều lần phát ngôn khẳng định châu Phi là ưu tiên, thậm chí thực hiện tới 18 lần công du tới lục địa này, mà gần đây là chuyến thăm tới Cameroon, Benin và Guinea-Bissau hồi tháng 7-2022.
Trên tinh thần đó, nhiều ý kiến phân tích cũng đã chỉ ra những mục tiêu sâu xa và to lớn hơn trong chuyến công du của nhà lãnh đạo Pháp lần này. Thứ nhất là nỗ lực xoa dịu làn sóng bài trừ Pháp, vốn đang có xu hướng gia tăng tại châu Phi trong vài năm qua. Thứ hai là thuyết phục các nước trong khu vực này tin tưởng vào một tương lai hợp tác thực sự bình đẳng và có lợi với nước Pháp, không chỉ về kinh tế mà còn về an ninh - quốc phòng. Thứ ba là thuyết phục các nước châu Phi ủng hộ chính sách của phương Tây, nhất là với cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Những mong muốn này có thể thấy rõ ở nhiều khía cạnh. Trong phát biểu tại Gabon, Tổng thống Emmanuel Macron nêu rõ “thời đại của Francafrique (Pháp - Phi) đã kết thúc tốt đẹp”, với hàm ý kỷ nguyên can thiệp của Pháp vào châu Phi theo hướng mẫu quốc - thuộc địa đã chấm dứt, mà thay vào đó là mối quan hệ kiểu mới theo hướng đối tác. Trong khi đó, việc tham dự hội nghị “One Forest” cũng nhằm mở ra cơ hội gặp gỡ và thảo luận nhiều vấn đề quan trọng với các lãnh đạo quốc gia châu Phi không nằm trên lộ trình công du cũng như với các nhà khoa học, tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân trong khu vực.
Có thể thấy, chuyến công du lần này của Tổng thống Emmanuel Macron đã tiếp tục nối dài những nỗ lực xây dựng hình ảnh mới của nước Pháp trong quan hệ với châu Phi như một đối tác bình đẳng, đáng tin cậy, điều đã từng được nêu bật trong Diễn văn lịch sử Ouagadougou (Burkina Faso) hồi năm 2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.