Ngày 23-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh, trong đó nêu rõ phương hướng hành động của Mátxcơva đối với việc các nước tịch thu và sử dụng bất kỳ tài sản nào của Nga bị “đóng băng” ở Mỹ.
Theo sắc lệnh, Nga sẽ xác định các loại tài sản tài chính của Mỹ có thể được dùng để bồi thường cho những tổn thất từ việc tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa ở Mỹ. Những loại tài sản này gồm chứng khoán đã được niêm yết, bất động sản, động sản (tài sản di dời được) và quyền sở hữu.
Thẩm quyền xác định loại tài sản nói trên sẽ thuộc về một ủy ban của Chính phủ Nga. Còn việc đưa ra quyết định bồi thường sẽ thuộc về thẩm quyền của tòa án.
Hồi tháng 4, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Dmitry Medvedev thừa nhận rằng Nga nắm giữ số lượng không đáng kể tài sản thuộc sở hữu nhà nước của Mỹ. Do đó, bất kỳ bước đi nào của Nga nhằm tịch thu tài sản của Mỹ sẽ không tương xứng với số tài sản của Nga bị tịch thu. Do đó, ông Medvedev cho rằng Nga có thể tịch thu tài sản của cá nhân Mỹ ở Nga.
Mỹ và các đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Nga như một phần của các lệnh trừng phạt khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hầu hết số tài sản đó đang được nắm giữ ở EU. Theo kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU), lợi nhuận hằng năm của các tài sản này dự kiến từ 2,5 - 3 tỷ euro và 90% lợi nhuận thu được từ tài sản này sẽ được sử dụng để hỗ trợ quân sự cho Kiev thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF), phần còn lại sẽ được chuyển vào ngân sách EU và được sử dụng cho mục đích tái thiết Ukraine.
Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng đang thảo luận cách thức có thể làm đối với số tài sản bị phong tỏa của Nga.
Moskva đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về những hậu quả nghiêm trọng nếu các nước này tịch thu và sử dụng tài sản của Nga.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.