(HNM) - Sau khi lỡ hẹn với các hội nghị thượng đỉnh quan trọng của khu vực ở Brunei và Indonesia năm ngoái, hôm nay 23-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Nhật Bản trong điểm dừng chân đầu tiên của chuyến công du 4 quốc gia Châu Á gần một tuần.
Chuyến đi của người đứng đầu nước Mỹ diễn ra trong bối cảnh Washington phải dồn "tâm sức" vào cuộc khủng hoảng Ukraine, "trận chiến" quyết liệt nhất giữa phương Tây và Nga kể từ sau Chiến tranh lạnh. Trong khi đó, những tranh cãi về chủ quyền trên biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ đối với mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và an ninh toàn cầu. Vì thế, sứ mệnh của Tổng thống B.Obama trong chuyến công du Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines là hết sức nặng nề trong bối cảnh có những ngờ vực cho rằng Washington đang thiếu động lực để duy trì sức mạnh tại Châu Á.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến công du Châu Á với nhiều trọng trách. |
Với lịch trình dày đặc, hai chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm của Tổng thống B.Obama ở Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là cơ hội để thảo luận với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà về các biện pháp củng cố và tăng cường quan hệ với hai đồng minh thân thiết. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi quan hệ giữa hai đồng minh thân cận này của Mỹ đang trong giai đoạn căng thẳng do những tranh chấp biển đảo. Trong khi đó, vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng khiến Đông Bắc Á trở nên nóng bỏng hơn. Còn tại Hàn Quốc, Tổng thống B.Obama sẽ gặp người đồng cấp nước chủ nhà Park Geun-hye để thảo luận chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và việc thực hiện Hiệp định tự do thương mại Mỹ - Hàn…
Nội dung quan trọng được Tổng thống B.Obama đặt trọng tâm ưu tiên trong các chuyến thăm tới Malaysia và Philippines là thúc đẩy quan hệ với hai nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một khu vực được xác định nằm trong trục xoay chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở Châu Á. Cũng như Nhật Bản, thuyết phục Malaysia đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một nội dung lớn trong nghị trình. Với việc đến Malaysia, Tổng thống B.Obama đã đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới nước này kể từ năm 1966. Với Mỹ, việc củng cố quan hệ với một quốc gia Hồi giáo như Malaysia là điều quan trọng. Sự kiện Tổng thống B.Obama sẽ tham quan đền thờ Hồi giáo quốc gia tại thủ đô Kuala Lumpur là hành động mang ý nghĩa biểu tượng cao.
Khẳng định những cam kết an ninh với Philippines là chủ đề ưu tiên hàng đầu trong chuyến đi của ông chủ Nhà Trắng đến Manila. Vì vậy, tại cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Benigno Aquino, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ có những tuyên bố chính thức về một hiệp định tăng cường quan hệ quân sự mà hai nước đã đàm phán trong gần một năm qua, theo đó cho phép Mỹ gia tăng hiện diện quân sự tại quốc gia Đông Nam Á này.
Nếu điều này thành hiện thực, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện được chính sách tăng cường triển khai quân đội tại Châu Á - Thái Bình Dương như một trong những yếu tố quan trọng của chiến lược chuyển trọng tâm sang Châu Á. Trên thực tế, dù đây đã được xác định như một đặc trưng tiêu biểu trong chính sách đối ngoại của cường quốc số 1 thế giới, nhưng những diễn biến chưa có hồi kết tại Ukraine đã gây ra không ít quan ngại rằng Washington có thể sẽ khó toàn tâm toàn ý cho Châu Á. Do đó, chuyến công du của Tổng thống B.Obama đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng khu vực năng động nhưng phức tạp này vẫn là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Ngược trở lại, trong thời điểm cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang trong giai đoạn căng thẳng, các quan chức quân đội cũng như ngoại giao cấp cao của Mỹ vẫn liên tục thực hiện các chuyến đi đến Châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao quốc phòng cũng như củng cố vị trí siêu cường của mình tại khu vực.
"Vẫn luôn có những câu hỏi được đặt ra là liệu nước Mỹ có bị phân tán vào vấn đề ở Ukraine hay Trung Đông? Chuyến đi này của Tổng thống B.Obama là ví dụ cho thấy chúng tôi có thể đi bằng cả hai chân. Rất nhiều các bộ phận trong Chính phủ Mỹ vẫn đang nỗ lực thúc đẩy các lợi ích của nước Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương". - Chia sẻ của Giám đốc cao cấp phụ trách các vấn đề Châu Á (Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ) Evan Medeiros trước thềm chuyến đi của Tổng thống B.Obama đã củng cố thêm niềm tin tưởng rằng Châu Á vẫn là mối quan tâm sống còn của nước Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.