(HNM) - Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Cộng hòa Czech Petr Pavel và người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda đã đạt được những kết quả tốt đẹp với việc tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề được cả hai nước quan tâm. Qua đó, củng cố quan hệ láng giềng truyền thống và tăng cường hợp tác kinh tế theo hướng cùng có lợi.
Tân Tổng thống Cộng hòa Czech Petr Pavel đã đến thăm Warsaw (Ba Lan) trong chuyến công du nước ngoài thứ hai sau khi nhậm chức, với mục tiêu tăng cường mối quan hệ tốt đẹp của hai quốc gia cùng là thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); đồng thời tìm tiếng nói chung ứng phó với các thách thức an ninh trong khu vực.
Trên tinh thần đó, trong hội đàm chính thức, hai bên đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế, phát triển liên kết giao thông, năng lượng và cả những vấn đề liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới của NATO. Hai nhà lãnh đạo cho rằng, việc hoàn thành kết nối giao thông đường bộ sẽ tạo ra liên kết quan trọng, giúp người dân Czech đến du lịch biển Baltic thuận tiện hơn; đồng thời thúc đẩy giao thương giữa hai nước. Đề cập tới lĩnh vực năng lượng, hai bên đánh giá cao chương trình phát triển hạ tầng ở Cảng Gdansk bên bờ biển Baltic, nhất trí hạ tầng này cùng với tuyến đường ống dẫn khí đốt Stork 2 sẽ tăng cường khả năng truyền dẫn nhiên liệu và khí đốt từ Ba Lan tới Czech, qua đó giúp Czech đa dạng hóa nguồn cung năng lượng...
Sự nồng ấm còn toát lên qua họp báo sau hội đàm. Tổng thống Ba Lan Duda đánh giá cao việc người đồng cấp Czech đã chọn Ba Lan cho chuyến công du nước ngoài ngay sau khi nhậm chức, chỉ sau chuyến thăm truyền thống tới Slovakia, khẳng định đây là động lực to lớn dành cho mối quan hệ song phương truyền thống, vốn đã có lịch sử ngàn năm. Về phần mình, Tổng thống Czech Petr Pavel khẳng định mối quan hệ giữa hai nước “chưa bao giờ tốt đẹp như hiện tại” và còn nhiều tiềm năng phát triển.
Theo giới quan sát, chuyến thăm lần này diễn ra ở thời điểm hết sức phù hợp và có ý nghĩa. Trước hết, cả Czech và Ba Lan hiện đang đối mặt những thách thức chưa từng có, đặc biệt là những biến động liên quan tới xung đột tại Ukraine. Bản thân mỗi quốc gia cũng có những ích lợi gắn kết. Hiện, Ba Lan đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực Trung Âu, nhờ đó sẽ củng cố vị thế chính trị quốc gia. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki từng khẳng định, việc hợp tác năng lượng với các nước láng giềng - trong đó có Czech - "là một yếu tố thuộc lợi ích quốc gia của Ba Lan".
Về phần mình, Tổng thống Czech Petr Pavel đang đối mặt hàng loạt thách thức đầu nhiệm kỳ mới, đòi hỏi nhiều nỗ lực chèo lái mới có thể mang lại cho Czech “trật tự và hòa bình” như cam kết tranh cử. Trong khi đó, các khu vực Czech dọc biên giới với Ba Lan đang nổi lên hàng loạt vấn đề an sinh xã hội cấp thiết cần những phương án giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, giá cả tăng cao, cơ hội việc làm hạn chế và trình độ học vấn thấp...
Khu vực biên giới này cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp về sắc tộc, không chỉ bởi những vết “sẹo” liên quan tới hoạt động trục xuất người nói tiếng Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, mà còn do đặc thù Ba Lan hiện là “vùng đệm” giữa Czech và Ukraine trong bối cảnh Czech đang là nước tiếp nhận số lượng người tị nạn Ukraine nhiều nhất tính theo tỷ lệ dân số. Do vậy, Czech không thể thiếu sự ủng hộ và hợp tác của Ba Lan nếu muốn giải quyết hiệu quả các thách thức.
Nhìn chung, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Czech tới Ba Lan đã đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó quan trọng hơn cả là củng cố mối quan hệ láng giềng truyền thống, tạo tiền đề để chung tay giải quyết những thách thức mang tính hệ quả từ bối cảnh địa chính trị hiện nay trong khu vực và thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.