(HNMO) - Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5-2018, tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng là 10,329 triệu tỷ đồng, tăng 3,27% so với cuối năm 2017.
Tổng tài sản của các tổ chức tín dụng đạt 10.329.259 tỷ đồng. (ảnh minh họa từ internet) |
Xét về số tuyệt đối, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu, Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Đại Dương) có tổng tài sản lớn nhất với 4,654 triệu tỷ đồng; kế đến là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần với gần 4,2 triệu tỷ đồng. Nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài có tổng tài sản hơn 1 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, hầu hết nhóm tổ chức tín dụng có tổng tài sản tăng. Trong đó, nhóm có tốc độ tăng mạnh nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội, tăng tới 8,11%; kế đến là ngân hàng liên doanh, nước ngoài, tăng 5,73%; Quỹ tín dụng nhân dân tăng 4,94%. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại Nhà nước tăng lần lượt 4,17% và 1,84%.
Vốn tự có của các tổ chức tín dụng tăng 4,96%, đạt 749.548 tỷ đồng; vốn điều lệ đạt 516.951 tỷ đồng, tăng 0,88%, trong đó khối ngân hàng thương mại có vốn điều lệ lớn nhất với 218.118 tỷ đồng.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của hệ thống là 12,14%. Trong đó, ngân hàng liên doanh nước ngoài có tỷ lệ đạt cao nhất với 27,36%; tiếp đến là ngân hàng hợp tác xã (25,43%); nhóm công ty tài chính, cho thuê có tỷ lệ 19,77%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại Nhà nước có tỷ lệ an toàn vốn lần lượt là 11,34% và 9,39%.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống hiện ở mức 27,67%; trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 31,6%, ngân hàng thương mại Nhà nước là 30,23%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.