(HNMO) - Chiều 28-6, Cục Thống kê Hà Nội công bố báo cáo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,91% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,17%; quý II tăng 6,61%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,09%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,74%; khu vực dịch vụ tăng 5,74%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,47%.
Theo ông Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội, tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay cao hơn mức tăng 2,92% của 6 tháng đầu năm 2020, nhưng thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trước chủ yếu do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh; các ngành, lĩnh vực; nhất là du lịch, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Ngành công nghiệp Hà Nội 6 tháng đầu năm nay tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu. Thành phố quan tâm, chỉ đạo và điều hành quyết liệt trong phòng, chống dịch và triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp tăng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý II tăng 9,7% so với cùng kỳ và tính chung 6 tháng tăng 8,7% (6 tháng năm 2020 tăng 3,5%).
Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gồm vốn đăng ký của các dự án thành lập mới, dự án bổ sung tăng vốn và mua cổ phần đạt 694,3 triệu USD. Trong đó, đăng ký mới có 171 dự án với số vốn đạt 96,1 triệu USD; 78 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 477,7 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 250 lượt, đạt 120,5 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý II ước đạt 3,78 tỷ USD, tăng 11,7% so với quý I-2021 và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 7,164 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 4.026 triệu USD, giảm 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.138 triệu USD.
Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng khá: Điện thoại và linh kiện đạt 177 triệu USD, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 176 triệu USD, tăng 47,7%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 313 triệu USD, tăng 22,3%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 885 triệu USD, tăng 16,8%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các nước là đối tác lớn như: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 893 triệu USD, giảm 11,3%; hàng dệt may đạt 815 triệu USD, giảm 2,6%; hàng nông sản đạt 383 triệu USD, giảm 11,9%; xăng dầu đạt 287 triệu USD, giảm 29,5%...
Ông Đậu Ngọc Hùng cho biết, mức tăng trưởng nói trên là khá trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả năm thì trong 6 tháng tới phải đạt tốc độ tăng trưởng là 8,87% và trông đợi vào sự bứt phá, đóng góp của một số ngành quan trọng như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, bán buôn, bán lẻ, ngân hàng. Bên cạnh đó, cần chú trọng vào việc tái đàn lợn, bảo đảm cung - cầu và ổn định thị trường trên địa bàn... Kết quả tăng trưởng kinh tế sẽ gắn liền với nỗ lực và thành tựu phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.