Chính trị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tình yêu lớn dành cho Thăng Long - Hà Nội

Hànộimới 26/07/2024 06:16

Thăng Long - Hà Nội nơi lắng hồn núi sông ngàn năm đã nuôi dưỡng, hun đúc trí tuệ, phẩm cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo xuất sắc, nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam.

Với trách nhiệm và một tình yêu lớn dành cho Thăng Long - Hà Nội, trên các cương vị công tác của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm tới sự phát triển của Thủ đô. Cùng với những định hướng chiến lược mang tầm thời đại về kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư với tầm nhìn của một nhà lý luận, một nhà nghiên cứu đã định hình một nền tảng mới cho những giá trị văn hóa Hà Nội trở thành điểm tựa, thành động lực phát triển mới để đất Rồng bay hội nhập cùng thời đại. Văn hiến ngàn đời đã hun đúc bản lĩnh, trí tuệ, phong cách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí là niềm tự hào của Thăng Long - Hà Nội.

npt.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo thành phố Hà Nội chúc Tết nhân dân Thủ đô dịp Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: Duy Linh

1. Sinh ra ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, lớn lên ở nơi “hồn thiêng sông núi", chắt lọc tinh thần nhân văn, giá trị bác ái trong suốt chiều dài học tập, nghiên cứu và công tác trên những cương vị khác nhau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hun đúc trong mình một tinh thần Thăng Long và tỏa sáng nhân cách người Hà Nội.

Là học sinh Hà Nội, sinh viên Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, là nghiên cứu sinh tại Liên Xô và đứng trong hàng ngũ của Đảng khi 23 tuổi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sớm hình thành nhân cách mang đậm chất nhân văn của Thăng Long - Hà Nội và tầm tư duy vượt ra ngoài cương vực quốc gia. 30 năm học tập, nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng trở về công tác tại thành phố Hà Nội.

Trong những năm gánh vác trọng trách tại Thành ủy Hà Nội, từ tháng 8-1996 đến tháng 2-1998 là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng ban Cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy; từ tháng 1-2000 đến tháng 6-2006 giữ cương vị Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã không ngừng nỗ lực, góp phần trực tiếp vào công cuộc xây dựng, phát triển ở những thời điểm đặc biệt quan trọng.

bithu-detvaicongnghiep2.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội tới thăm một nhà máy dệt vải công nghiệp.

Là nhà lý luận xuất sắc, đồng thời trực tiếp chỉ đạo thực tiễn, không chỉ tập trung nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của Thủ đô trong xu thế phát triển của đất nước và thời đại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội… tạo động lực mới xây dựng con người Hà Nội chất chứa trách nhiệm và tình yêu để mảnh đất "linh thiêng và hào hoa" mãi mãi tỏa sáng.

Khi còn giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chúng ta tự hào về dân tộc Việt Nam và nằm giữa lòng dân tộc là Thủ đô Hà Nội. Niềm tự hào chính đáng ấy gắn bó chặt chẽ với ý thức trách nhiệm sâu sắc, với nghĩa vụ cao cả phấn đấu nỗ lực trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc Thăng Long - Hà Nội...”; đồng thời nhấn mạnh: “Hà Nội phải phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện, bền vững; bảo đảm ổn định vững chắc chính trị, an ninh, quốc phòng”. Ngay ở thời điểm năm 2000, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ mục tiêu: Hà Nội phải phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm từ 10-11%, để đến năm 2010, GDP tăng khoảng 2,7 lần so với năm 2000, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.100-2.200 USD.

bithu-mayducgiang2.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội tới thăm, động viên người lao động Công ty May Đức Giang.

Hà Nội “được mùa toàn diện” như đánh giá của lãnh đạo Trung ương và dư luận xã hội ngày đó. Trong giai đoạn 2001-2005, GDP (hiện nay đối với địa phương là chỉ số GRDP) Hà Nội tăng trưởng 11,1%/năm bằng 1,5-1,6 lần tốc độ tăng bình quân của cả nước; thu nhập bình quân tính đến năm 2006 đạt 18,4 triệu đồng/năm (với tỷ giá cùng thời điểm tương đương 1.200 USD). Diện mạo Thủ đô đổi mới mạnh mẽ. Trong hai năm 2003 và 2004, trung bình mỗi năm Hà Nội xây dựng được 1,45 triệu mét vuông nhà ở, bằng tổng số 5 năm trước đó. Và, hai cây cầu quan trọng bắc qua sông Hồng được khởi công xây dựng (cầu Thanh Trì năm 2002, cầu Vĩnh Tuy năm 2005) mở ra không gian và điều kiện phát triển mới cho Hà Nội.

Là nhà nghiên cứu, lý luận xuất sắc với nhiều kinh nghiệm thu được từ tổng kết thực tiễn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách chỉ đạo, chú trọng nâng cao năng lực của tổ chức Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên. Cùng với việc xây dựng các chương trình công tác lớn của Thành ủy nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội và xác định rõ trọng tâm, trọng điểm đối với từng lĩnh vực, Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung vào công tác cán bộ: “Chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, trí tuệ và năng lực công tác. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ tham nhũng, quan liêu, cùng những biểu hiện tiêu cực khác; tăng cường sự gắn bó với nhân dân; thường xuyên đi sâu đi sát cơ sở”. Đồng chí đề nghị: “Mỗi cán bộ, đảng viên Hà Nội phải phấn đấu vượt lên chính mình, vượt qua thử thách của chính mình. Chỉ có tự rèn luyện gian khổ, rèn luyện theo gương của Bác Hồ kính yêu, với sự giáo dục thường xuyên và quản lý chặt chẽ của chi bộ, sự giúp đỡ của tập thể, sự giám sát, đùm bọc của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên Hà Nội mới trở thành những người cộng sản chân chính, góp phần xây dựng Đảng bộ Hà Nội trong sạch, vững mạnh”.

bithu-f-phuongmai.jpg
Khi là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn giữ lối sống giản dị, gắn bó mật thiết với dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Nói đi đôi với làm, thực sự coi “dân là gốc”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng gương mẫu đi đầu, cống hiến hết mình, tác phong mực thước, lối sống giản dị, gắn bó mật thiết với dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, cùng Đảng bộ thành phố chèo lái con thuyền Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thử thách duy trì sự phát triển mạnh mẽ. Những dấu ấn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong thời gian giữ cương vị người đứng đầu Đảng bộ Thủ đô còn đọng mãi trong trái tim người Hà Nội.

2. Trên các cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Không chỉ nhiều lần cùng tập thể Bộ Chính trị góp ý vào các dự thảo văn kiện, chỉ đạo công tác nhân sự, đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn trực tiếp tham dự, chỉ đạo Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XV, XVI và XVII. Ngày 27-10-2010, tại Đại hội lần thứ XV Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2010-2015, đồng chí đề nghị làm sâu sắc thêm quyết tâm chính trị của Ðảng bộ Hà Nội: “Phát huy truyền thống 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Lưu ý thêm những vấn đề quan trọng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hà Nội cần có quyết tâm rất cao, tạo bước chuyển biến thật mạnh trong 5 năm tới”.

Ngày 1-11-2015, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Hà Nội ngàn năm văn hiến là bộ mặt, là niềm tự hào của quốc gia. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, tôn trọng pháp luật. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế, chúng ta càng phải đặc biệt chú trọng vấn đề này”.

b-trong-10.jpg
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Ngày 12-10-2020, dự khai mạc Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, đồng chí Nguyễn Phú Trọng gợi mở: “Một câu hỏi đặt ra là: Thủ đô của chúng ta sẽ phát triển như thế nào trong những thập kỷ tới? Tôi cho rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cần nhận thức sâu sắc hơn nữa, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và của Đảng bộ Thủ đô”. Nhấn mạnh một số vấn đề mang tính định hướng lớn cho Hà Nội phát triển, đồng chí lưu ý, Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước; làm nên một hình ảnh tiêu biểu của cả nước, một "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; là "Thành phố Vì hòa bình" và nay Hà Nội là "Thành phố Sáng tạo". Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Với một tình yêu lớn dành cho Thăng Long - Hà Nội và với trách nhiệm lớn của một người Thủ đô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều tâm sức, trí tuệ đưa ra những định hướng, những chỉ đạo mang tính chiến lược với tầm nhìn sâu rộng, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề cụ thể và trực tiếp góp ý xây dựng các văn bản quan trọng, tạo điều kiện, nền tảng vững chắc cho Thủ đô vươn xa trong thời đại của kinh tế tri thức, trí tuệ sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020” và đặc biệt Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nghị quyết soi rọi đường đi, khơi dậy khát vọng Thăng Long trong mỗi người Hà Nội, quyết tâm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế.

Tạo cơ sở pháp lý, hình thành những nền tảng, động lực phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội, Luật Thủ đô với khuôn khổ pháp lý mang tính chất vượt trội và yếu tố đặc thù để huy động nguồn lực xã hội, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để thành phố Hà Nội phát triển nhanh và bền vững, trở thành nơi hội tụ tri thức của đất nước và thế giới, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, là hình ảnh tiêu biểu đại diện của Việt Nam trong thời đại mới.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy toàn cầu và tầm nhìn mới không chỉ định hình không gian phát triển mới mà mà còn tạo cơ hội, nguồn lực và những giá trị mới cho Thủ đô Hà Nội; đồng thời tạo đột phá về cơ sở hạ tầng để Hà Nội trở thành một thủ đô mang tầm quốc tế và giàu bản sắc văn hóa truyền thống, là gương mặt của Việt Nam trong thời đại hội nhập.

Nhiều định hướng chiến lược chất chứa trí tuệ, tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những dấu ấn rất quan trọng, đặt nền tảng cho Hà Nội phát triển trong hiện tại và tương lai.

b-trong-5.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cử tri của Thủ đô.

Là đại biểu Quốc hội các khóa từ XI đến XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành thời gian tham gia đủ các buổi tiếp xúc cử tri; ở đồng chí luôn toát lên phong cách mẫu mực của một đại biểu nhân dân, luôn gần dân, trọng dân. Tổng Bí thư luôn ghi chép tỉ mỉ từng ý kiến và trả lời thẳng thắn tất cả vấn đề cử tri quan tâm. Những ý kiến, thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các cuộc tiếp xúc cử tri vô cùng sâu sắc, in sâu vào tiềm thức của người dân Thủ đô. Ngày 12-5-2022, tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng), Tổng Bí thư mong muốn công dân Thủ đô thực sự là những người tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, văn hóa; cùng nhau truyền cảm hứng, lan tỏa những giá trị quý báu như văn hiến, anh hùng; hào hoa, thanh lịch... Đồng chí yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội hãy phấn đấu phát triển mạnh mẽ, ngày càng nâng tầm vị thế Thủ đô của nước Việt Nam để không thua kém các Thủ đô trên thế giới.

Ngày 14-10-2023 cũng là lần tiếp xúc cử tri cuối cùng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì sức khỏe không cho phép. Vẫn phong thái gần gũi và giản dị, Tổng Bí thư đã chia sẻ với cử tri về mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, là 3 “chân kiềng” và nhận định rằng, đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực. Mỗi chủ thể phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tuân theo Hiến pháp, luật pháp, Tổng Bí thư lưu ý, đây là những nội dung rất căn bản, quan trọng, cần thiết; các cấp, các ngành phải nắm rất chắc để thực hiện đúng, nhất là phải gần dân, sát dân, tôn trọng nhân dân, bởi “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, không được lòng dân là mất chế độ. Và Tổng Bí thư đã dành cho cử tri những lời nhắc gửi, mong cử tri và nhân dân Thủ đô tiếp tục đoàn kết, tích cực đóng góp xây dựng Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam Anh hùng và truyền thống nghìn năm lịch sử...

Hơn 10 năm qua, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Hà Nội lại chờ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chúc Tết như đón một người thân đặc biệt trở về nhà. Gần nhất, Xuân Quý Mão 2023, Tổng Bí thư đã nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần". Đồng chí nhấn mạnh yêu cầu nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt của thành phố: “Hơn lúc nào hết càng thấy vinh dự, tự hào thì cũng thấy trách nhiệm của mình để không ngừng tu dưỡng, phấn đấu và rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, năng lực công tác để lãnh đạo Đảng bộ, cùng nhân dân xây dựng Thủ đô ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu và với niềm tin yêu của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế”.

b-trong-8.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Xuân Giáp Thìn 2024 sức khỏe không cho phép, không về Hà Nội chúc Tết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không quên nhắn gửi tình cảm sâu nặng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô. Không được đón Tổng Bí thư về chúc Tết, cán bộ, đảng viên và người dân Hà Nội thầm mong sức khỏe đồng chí sẽ sớm hồi phục, tiếc rằng mong ước ấy đã không trở thành sự thật. Và hôm nay đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không còn ở lại với chúng ta.

3. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi nhưng những định hướng mang tầm thời đại, những lời căn dặn và tình cảm đặc biệt của đồng chí với Thủ đô vẫn còn mãi với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Để xây dựng Hà Nội ngang tầm với những thủ đô của các quốc gia phát triển, chảy mãi một dòng văn hiến và là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị của nhân loại như mong muốn của Tổng Bí thư, Đảng bộ, chính quyền và quân dân Thủ đô tiếp tục quyết tâm tăng tốc và về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hà Nội sẽ nỗ lực hơn nữa tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế; xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

dem-hoi-trung-thu-cong-vien-nuoc-3-.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi là Bí thư Thành ủy Hà Nội vui đêm hội Trung thu với các cháu thiếu nhi tại Công viên nước.

Phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước". Hà Nội sẽ tập trung cao độ, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuộc sống, triển khai đồng bộ, khoa học Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… Đây cũng là những định hướng mang tầm chiến lược chất chứa trí tuệ, tâm sức của Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư.

Noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người Hà Nội, con cháu Lạc Hồng vững bước trên con đường Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, nỗ lực không ngừng với tinh thần Thăng Long, xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh với tâm thế mới; xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại là nơi hội tụ trí tuệ và giá trị văn hóa của nhân loại.

tbt-nguyen-phu-trong.jpg

Tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng bộ, chính quyền và quân dân Thủ đô mãi mãi tự hào về một nhân cách biểu trưng cho phẩm chất người Thăng Long - Hà Nội. Những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô là nền tảng quan trọng cho cả trước mắt và lâu dài. Tấm gương đạo đức sáng ngời và tinh thần tận tâm, cống hiến trọn đời cho Đảng, cho đất nước và nhân dân của đồng chí sẽ là nguồn cảm hứng vô tận, nguồn cổ vũ động viên tiếp thêm sinh lực để Đảng bộ, chính quyền và quân dân Thủ đô vượt qua mọi khó khăn thử thách, cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước tiến lên vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng như Tổng Bí thư đã quả quyết: “Ta là con cháu Cụ Hồ, đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc là dân tộc Việt Nam, đất nước này nhất định phải phát triển đi lên, không được phép tụt hậu so với các nước khác, không cam chịu kém người khác”. Hà Nội sẽ phấn đấu để mãi mãi xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.

Xin vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo xuất sắc, nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam, một trái tim chất chứa tình yêu với Thăng Long - Hà Nội!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tình yêu lớn dành cho Thăng Long - Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.