(HNMO) - Chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Ngày Quốc tế lao động (1-5), hướng tới Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), chiều 26-4, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn khai mạc triển lãm gốm với chủ đề “Hóa - Hiện” tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2, Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm).
Nghề gốm truyền thống đã có lịch sử hình thành lâu đời. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, các sản phẩm gốm Việt luôn có sắc thái riêng, đặc trưng riêng của làng nghề và phản ánh được quan niệm thẩm mỹ của tác giả. Nghệ thuật làm gốm còn là sự kết giao giữa sáng tạo và phương pháp thủ công tinh xảo.
Sinh ra và lớn lên ở làng gốm Bát Tràng, nghệ sĩ Nguyễn Trường Sơn không chỉ tiếp nối dòng chảy truyền thống của quê hương, mà còn là người tiên phong trong dòng gốm “Be chạch”. Đây là phương pháp làm gốm lưu lại dấu tay của người thợ làm gốm trên sản phẩm, tạo nên bề mặt lồi lõm tự nhiên và vô tình tạo ra khối của ánh sáng trên bề mặt sản phẩm.
Quá trình làm gốm “Be chạch” đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, tập trung của người thợ. Qua đây, ta thấy được lòng yêu cái đẹp, khát khao lưu giữ và bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Trường Sơn nói riêng và những nghệ nhân làng nghề truyền thống nói chung.
Triển lãm “Hóa - Hiện” gồm nhiều không gian, với các nội dung: Trưng bày các bức tranh gốm mang đậm bản sắc văn hóa Việt, trình diễn và giới thiệu quy trình làm gốm “Be chạch”, cũng như các tác phẩm nghệ thuật từ chất liệu gốm trong đời sống. Trong khuôn khổ triển lãm, còn có các hoạt động tọa đàm, giới thiệu “Gốm trong đời sống tinh thần người Việt”.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 30-5-2023, nhằm tôn vinh nghề làm gốm thủ công truyền thống, nét đẹp trong lao động sáng tạo của nghệ nhân làm gốm, qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.