Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôn vinh giá trị gia đình

Minh Ngọc| 20/04/2013 05:51

(HNM) - Hội thảo

Gia đình hạnh phúc là nền tảng cho xã hội phát triển.


Phiên chợ văn hóa

Lấy nguyên mẫu thu nhỏ của chợ Đồng Văn (Hà Giang), phiên chợ vùng cao phía Bắc tại Khu làng I Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam tuy không ăm ắp sản phẩm núi rừng nhưng cũng đủ tái hiện
sinh động không gian chợ vùng cao truyền thống. Ngay đầu khu chợ, gian hàng của tỉnh Bắc Giang gợi sự tò mò với du khách bằng xôi tam sắc, ngũ sắc của dân tộc Tày, thổ cẩm của dân tộc Cao Lan… Trong không gian ấy, hai chị Trần Thị Hiển và Tăng Thị Phán, anh Lâm Minh Sập… dân tộc Sán Chí đến từ xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn nắm tay nhau hát bài dân ca về tình yêu đôi lứa: "Anh có tâm em cũng có ý. Chẳng sợ sông sâu với núi cao. Núi cao đã có người dẫn lối. Sông sâu đã có người đưa đò"… Chị Trần Thị Hiển cho hay: "Kho tàng dân ca Sán Chí rất phong phú, có tới hàng trăm bài, hát cả ngày không hết nhưng nhiều nhất vẫn là các bài hát về tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng, gia đình, con cái. Nhiều đôi trai gái ở Kiên Lao đã nên vợ nên chồng từ những buổi hát giao duyên. Yêu nhau, đồng điệu về tâm hồn rồi lại xây dựng hạnh phúc dựa trên nền tảng của truyền thống văn hóa nên rất hiếm cặp vợ chồng ở Kiên Lao ly hôn. Dù là địa phương nằm ở khu vực cao nhất, xa nhất, khó khăn bậc nhất tỉnh Bắc Giang nhưng dòng chảy văn hóa giúp đồng bào Sán Chí có đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú".

Màu sắc sặc sỡ của thổ cẩm trong gian hàng tỉnh Hòa Bình cũng có sức hấp dẫn không kém. Các thiếu nữ trong trang phục truyền thống của dân tộc mình lúc mời khách mua sản vật địa phương, lúc biểu diễn cồng chiêng... Âm thanh trầm bổng, vang vọng của tiếng cồng chiêng như mang cả âm hưởng núi rừng Hòa Bình về ngày hội văn hóa. Khi thư thái, các chàng trai, cô gái Mường lại ngồi nói chuyện về tình yêu, chia sẻ với nhau về cuộc sống.

Sôi động hơn cả là "phiên chợ" Hà Giang. Các sản phẩm đặc trưng của người Mông như khăn trải giường, vỏ gối, túi xách bằng thổ cẩm, rượu, măng… được bày bán, giới thiệu ở chính giữa. Phía trước, đồng bào thay nhau giã ngô, trộn bột làm mèn mén. Bên cạnh, Chị Vừ Thị Mo, HTX dệt lanh truyền thống Lùng Tám, huyện Quản Bạ vừa se sợi vừa lảy mấy điệu dân ca... "Đến đây mới biết chợ vùng cao không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc, nên dẫu tái hiện ở không gian lạ nó vẫn có sức hấp dẫn", anh Nguyễn Xuân Sơn, đến từ phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây cảm nhận.

Thanh niên các dân tộc thiểu số tham dự hội thảo “Tuổi trẻ các dân tộc với việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam”. Ảnh: Việt Hòa


Bàn cách xây dựng gia đình văn hóa

Với mục đích tôn vinh gia đình Việt Nam truyền thống, nhất là các gia đình trẻ, hội thảo "Tuổi trẻ các dân tộc với việc kế thừa và phát huy văn hóa gia đình Việt Nam" là hoạt động chính trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay. Hội thảo là diễn đàn để 80 thanh niên đại diện cho các dân tộc khắp mọi miền đất nước học tập, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc.

Chị Đỗ Thị Hương, dân tộc Phù Lá (Hà Giang) nói: "Đối với mỗi người dân Việt Nam, dù là người dân tộc ít người hay đa số, gia đình đều có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tiếc rằng trong làn sóng hội nhập hiện nay, không ít đồng bào các dân tộc ít người xây dựng gia đình rập khuôn theo hướng dẫn chung mà không chú trọng tới bản sắc riêng của dân tộc mình khiến gia đình đứng trước nguy cơ bị đồng hóa". Đồng quan điểm này, anh A Dăm Trai, dân tộc Ba Na (Kon Tum) dẫn chứng: Trước đây, người dân Ba Na sống trong một nhà nhiều thế hệ. Con cháu trong gia đình nghe lời dạy dỗ của ông bà, cha mẹ, không chống đối, không làm ngược lại lời người lớn, không được lười biếng… Hôn nhân của người Ba Na là một vợ một chồng, sự chênh lệch tuổi tác, giàu nghèo giữa đôi nam nữ không phải là điều quan trọng. Hiện nay, văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Ba Na vơi dần, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng lỏng lẻo hơn. "Cơ cấu gia đình của người Ba Na có nhiều biến đổi theo lối sống thực dụng, ích kỷ, giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình vì thế đứng trước nguy cơ mai một, xói mòn", anh A Dăm Trai lo lắng.

Từ thực tế này, anh A Dăm Trai cho rằng, văn hóa gia đình và công tác xây dựng gia đình văn hóa cần được quán triệt trong tổng thể hệ thống chính sách kinh tế - xã hội; đồng thời cộng đồng các dân tộc ít người cần phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, làng xóm và kiên quyết loại bỏ những hủ tục lạc hậu.

Từ thực tế xây dựng thành công nhiều mô hình văn hóa, chị Hồ Thị Xăn, người dân tộc Chứt ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình) chia sẻ kinh nghiệm: Trong các gia đình dân tộc ít người hiện nay, thanh niên là đối tượng có khả năng tiếp thu nhanh nhất, hiểu biết xã hội nhiều nhất. Vì thế, họ phải là lực lượng xung kích, đi đầu trong việc bài trừ hủ tục lạc hậu, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ. Để làm được điều đó mỗi thanh niên cần chủ động trang bị vốn kiến thức cho bản thân; chăm chỉ lao động sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình.

Ý kiến của lớp thanh niên tại hội thảo trên cho thấy, mỗi địa phương, dân tộc tuy có phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa khác nhau, song có điểm chung là muốn xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ phải dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôn vinh giá trị gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.