(HNM) - Đạo diễn Hà Sơn vừa hoàn thành việc chuyển thể tiểu thuyết "Gánh hàng hoa" của Khái Hưng thành kịch bản phim truyền hình và tới đây, ông tiếp tục dành thời gian đưa các tác phẩm khác của văn học đầu thế kỷ XX lên màn ảnh theo "đặt hàng" của Hãng phim Đông A. Dịp này, đạo diễn Hà Sơn chia sẻ với Hànộimới quanh kịch bản "Gánh hàng hoa" cũng như dự án dài hơi này của ông.
- Thưa đạo diễn, vì sao ông nhận lời chuyển thể tiểu thuyết “Gánh hàng hoa” và tới đây là một loạt tác phẩm văn học khác ở đầu thế kỷ XX lên màn ảnh?
- Việc chuyển thể “Gánh hàng hoa” bắt đầu từ đề nghị của đạo diễn Trần Lực (Giám đốc Hãng phim Đông A) trong một buổi sáng cà phê với nhau. Thật ra, từ cách đây gần 20 năm, tôi đã lục đến chốn địa đàng này của văn chương Việt. Tôi cũng đã thực hiện bộ phim truyền hình “Ánh sáng kinh thành” về Vũ Trọng Phụng, một tên tuổi của dòng văn học hiện thực phê phán (theo đặt hàng của Đài Truyền hình Việt Nam). Văn chương giai đoạn này thực sự là một kho báu, là nguồn chất liệu dồi dào cho các tác phẩm truyền hình, điện ảnh.
Tôi đã viết kịch bản “Gánh hàng hoa” với tâm niệm: Đọc kịch bản là muốn làm phim. Sau khi hoàn thành kịch bản, Trần Lực đề nghị tôi dành 3 năm để tiếp tục chuyển thể cho Hãng phim bảy tiểu thuyết nữa của văn học thời kỳ này.
- Vậy tinh thần chính của “Gánh hàng hoa” mà ông muốn chuyển tải qua màn ảnh là gì?
- Việc chuyển thể “Gánh hàng hoa” hay nhiều tác phẩm khác không đơn thuần là việc nhắc lại những mẫu mực văn chương, mà quan trọng hơn là làm lan tỏa những câu chuyện đầy giá trị về mặt đạo lý, quan hệ ứng xử nhằm xây dựng một cuộc sống gia đình, xã hội thuần Việt. Cái tinh thần ấy thấm đẫm không chỉ ở giới trí thức mà ngay ở những người lao động bình thường và ngay trong thời kỳ tây hóa rất mạnh mẽ. Qua bộ phim, tôi muốn nói, ta không chỉ ngưỡng mộ, luyến tiếc mà cần phải tin các giá trị ấy luôn nằm sẵn trong mỗi con người Việt Nam, và dẫu hàng thế kỷ đã qua đi, nó vẫn không hề cũ.
- Chuyển thể “Gánh hàng hoa” là dựng lại cả một không khí xã hội, văn hóa… thời ấy từ lời ăn tiếng nói đến trang phục, giao đãi… Ông sẽ chuyển tải như thế nào để giữ được “hồn cốt”của tác phẩm mà vẫn hấp dẫn bạn đọc?
- Dựng lại văn chương của các cụ thì trước hết phải hiểu các cụ. Tôi cố gắng giữ nguyên hồn vía, ngữ điệu, ngôn từ phù hợp với không khí thời đại ấy. Với những đoạn đối thoại tương đối dài trong “Gánh hàng hoa”, khi chuyển thể tôi luôn khai thác trên cơ sở đặt vào từng cảnh, từng đoạn sao cho tạo ấn tượng nổi bật nhất, diễn đạt tự nhiên nhất mà lại không quá dài.
Tôi cũng học cách viết kịch bản của truyền hình Hàn Quốc, cuối một đoạn mà không khóc được thì cũng phải ngân ngấn nước mắt, cũng như cuối mỗi tập, người xem phải chờ đợi diễn biến tiếp theo. Tôi cũng dùng nhiều đoạn tự sự để làm cho câu chuyện sâu sắc hơn, ấn tượng hơn. Đó chính là kể câu chuyện cũ bằng thủ pháp, ngôn ngữ mới. Người xem sẽ được thấy “Gánh hàng hoa” không “cũ” một chút nào. Cái cũ kỹ không phải vì áo quần, cảnh vật… mà nếu có thì là vì người viết kịch bản, người làm phim không làm cho cảnh ấy, người ấy hấp dẫn, ấn tượng với người xem.
Tôi tin phim “Gánh hàng hoa” sẽ được mọi người hào hứng chấp nhận.
- Sau “Gánh hàng hoa”, tác phẩm nào sẽ tiếp tục được chuyển thể, thưa ông?
- Sau “Gánh hàng hoa”, tôi sẽ chuyển thể tác phẩm “Thừa tự”!
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.