(HNM) - Cách đây chưa lâu, CA một số đơn vị, địa phương còn e ngại khi sử dụng cụm danh từ
Không né tránh thực tế
Dù không muốn, song phải nhìn thẳng vào thực tế là tội phạm có tổ chức, tội phạm băng nhóm đã xuất hiện khá lâu và gần đây đã phát triển và diễn biến phức tạp hơn. Loại hình tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen" đã xuất hiện ở một số tỉnh, TP lớn từ hàng chục năm trước như những băng tội phạm khét tiếng của Phúc "bồ", Khánh "trắng", Năm Cam, Dung "hà"... Từ hoạt động của các băng nhóm này, cũng từ lâu, cơ quan CA đã cảnh báo về sự cấu kết của các đối tượng hình sự để hình thành các ổ nhóm, băng nhóm, rồi đến tổ chức tội phạm.
Lực lượng 141 Công an TP Hà Nội kiểm tra các trường hợp có nghi vấn. Ảnh: Bá Hoạt |
Ở mức độ thấp, một số đối tượng hình sự thường tụ tập với nhau, ban đầu là để tìm cách ăn chơi, sau thiếu tiền rủ nhau gây án. Mức độ cao hơn, một số đối tượng hình sự nguy hiểm tổ chức thành băng nhóm, đường dây, hoạt động có quy củ, gây án nghiêm trọng. Với loại tội phạm băng nhóm ở mức độ thấp, hoạt động có thể trắng trợn, manh động nhưng liên kết lỏng lẻo, nhất thời, nên dễ bị tan rã khi một tên trong nhóm bị bắt hoặc bị truy đuổi. Với các băng nhóm có tính tổ chức cao, thành phần phạm tội thường là những tên có nhiều tiền án, tiền sự, tính tình thô bạo, tàn ác, côn đồ, trình độ văn hóa thấp, nhưng được đối tượng có trình độ thâu tóm, chỉ huy nên mức độ phạm tội vừa manh động, vừa tinh vi. Việc đấu tranh với loại tội phạm này rất khó khăn, không dễ bóc gỡ các mảng phạm pháp của cả nhóm, càng khó vạch mặt đối tượng cầm đầu.
Xác định rõ tính chất nguy hiểm của băng nhóm tội phạm có tổ chức, những năm qua, lực lượng của Bộ CA và CA các địa phương đã có nhiều chuyên đề tập trung đấu tranh, gắn với mỗi đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Năm 2011, CA cả nước đã triệt phá hơn 3.700 băng nhóm tội phạm. 6 tháng đầu năm, CA cả nước tiếp tục triệt xóa hơn 300 băng, nhóm tội phạm với 1.020 đối tượng, trong đó có nhiều băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm.
Riêng trên địa bàn Hà Nội, gần đây hoạt động của tội phạm có tổ chức không nổi rõ nhưng qua nhiều vụ án, tính chất cấu kết của tội phạm đã được phát hiện. Trong nhiều vụ án, tội phạm gây án theo nhóm, sử dụng phương thức gây án nghiêm trọng, thậm chí sử dụng vũ khí nóng, phạm nhiều tội cùng một lúc. Tội phạm băng nhóm hoạt động trên địa bàn Hà Nội còn có đặc điểm là có sự liên hệ với tội phạm là người ngoại tỉnh. Theo thống kê sơ bộ của CATP, 52% các băng nhóm tội phạm có tổ chức gây án nghiêm trọng ở Hà Nội là đối tượng tỉnh ngoài.
Phòng hơn chống
Từ tính chất nguy hiểm của tội phạm băng nhóm, tội phạm có tổ chức, phải xác định rõ phương châm đấu tranh là phòng hơn chống. Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ CA cũng nhận định: "Muốn đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức đạt hiệu quả, điều quan trọng là phải phát hiện sớm, nắm được cơ cấu, tình hình hoạt động, để bóp chết khi vẫn còn trứng nước. Nếu để chúng hình thành, đủ mạnh, thì việc đấu tranh với chúng sẽ khó khăn hơn rất nhiều và lúc đó nguy hại đến tính mạng của người dân". Để phòng ngừa loại tội phạm này, không có cách nào khác là phải tăng cường nắm tình hình, sớm phát hiện để triệt xóa. Một trong những kênh quan trọng để phát hiện sớm tội phạm loại này chính là tiếp nhận và xử lý thông tin do nhân dân cung cấp. Bên cạnh đó, để đấu tranh hiệu quả khi tội phạm có tổ chức đã hình thành, cơ chế phối hợp thông tin và truy bắt tội phạm giữa CA các địa phương, đơn vị cũng là yếu tố quyết định. Riêng tại Hà Nội, lực lượng CA đã có các lực lượng chuyên trách trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức. Các lực lượng này thời gian qua đã phối hợp tốt với CA các quận, huyện, chủ động trao đổi thông tin với CA các tỉnh, thành bạn nên hoạt động bước đầu có hiệu quả, sớm phát hiện và triệt xóa khi tội phạm mới hình thành băng nhóm ở mức độ chuyên nghiệp thấp.
Yêu cầu đặt ra đối với việc phòng ngừa tội phạm có tổ chức cần phải được đặt cao hơn, chủ động hơn. Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ, CA các đơn vị, địa phương cần làm tốt hơn nữa việc vận động quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, rà soát lại các kênh tiếp nhận thông tin của nhân dân và có kế hoạch xử lý thông tin nhanh. Khi có manh mối về hoạt động của băng nhóm hình sự cần khẩn trương xác lập chuyên án để triệt xóa, vừa tạo niềm tin cho người cung cấp thông tin, vừa sớm ngăn chặn mầm mống của tội phạm có tổ chức...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.