(HNM) - Dù đã trở thành một trong những NTK áo dài nổi tiếng nhưng sau gần nửa năm mở hiệu Áo dài Hà Nội tại phố Bà Triệu, Nhà thiết kế (NTK) Võ Việt Chung vẫn chưa hết lo âu về phương án kinh doanh mạo hiểm này. Chúng tôi trò chuyện với Võ Việt Chung về áo dài và khách hàng Hà Nội.
- Sau 15 năm thiết kế và kinh doanh thời trang, vì sao bây giờ anh mới ra Hà Nội?
- Sau hơn 10 năm tìm hiểu thị trường Hà Nội và 5 năm để nghiên cứu sở thích và con người Hà Nội, đây là thời điểm thích hợp để tôi mở cửa hiệu áo dài và phát triển thương hiệu VOV tại thị trường Hà Nội. Tại các cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh rất nhiều khách hàng là phụ nữ Hà Nội và nhiều người trong số đó mong muốn tôi mở cửa hiệu ở Hà Nội…
Một mẫu áo dài của Nhà thiết kế Võ Việt Chung. |
- Nhưng khách hàng Hà Nội nổi tiếng khó tính…
- Tôi sợ khách hàng dễ tính hơn là khách hàng khó tính bởi với khách hàng này, nếu chinh phục được họ thì họ sẽ trở lại với mình. Khách hàng càng khó tính thì buộc tôi phải thiết kế đẹp hơn, lạ hơn, đó là cơ hội tốt để mình tiến lên phía trước. Tôi hy vọng những mẫu áo dài và thời trang VOV được người Hà Nội đón nhận nhiều hơn và như thế tôi đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp trong ăn mặc của người Hà Nội.
- Ở Hà Nội, có nhiều thương hiệu áo dài có tuổi đời vài ba chục năm. Anh có nghĩ mình đang bước vào cuộc cạnh tranh khá gay gắt?
- Thật ra, áo dài Võ Việt Chung và thương hiệu VOV ở TP Hồ Chí Minh nhưng có đến 60% khách hàng là người Hà Nội. Tôi rất vui khi sự xuất hiện của tôi ở đây được nhiều người đón nhận. Nhưng tôi nghĩ, mỗi NTK hay các cửa hàng đều có phong cách riêng, điểm mạnh riêng để hướng đến khách hàng. Tôi không thể kéo hết khách hàng về với mình hoặc ngược lại. Cạnh tranh để tạo ra sự đa dạng trong mẫu mã và đáp ứng các phân khúc khác nhau của thị trường chính là thúc đẩy ngành thời trang Việt Nam phát triển.
- Anh đã phát huy thế mạnh áo dài Võ Việt Chung trong lần "Bắc tiến" này ra sao? Và việc kinh doanh mấy tháng qua như thế nào?
- Tại cửa hàng ở phố Bà Triệu, lầu 1 dành cho áo dài. Lầu 2, trang phục công sở, dạ tiệc và trang phục thường ngày dành cho giới nữ từ 20-50 tuổi. Việc đầu tiên tôi mong muốn là họ quan tâm và ghé thăm, còn để có chiến lược thị trường hay mục tiêu thị phần thì cần phải có thời gian.
- Là một trong những nhà thiết kế có nhiều cơ hội tiếp xúc với các khuynh hướng thời trang quốc tế, anh đã đưa thời trang thế giới vào các bộ sưu tập mới của mình ra sao?
- Trái đất ngày càng bị tác động mạnh bởi những biến đổi môi trường nên mỗi năm màu sắc và chất liệu thời trang đều thay đổi theo chiều hướng trở về với thiên nhiên. Cuộc sống càng hiện đại thì con người càng muốn trở về với cội nguồn. Chung quy lại những gì nguyên sơ và tự nhiên vẫn luôn được người tiêu dùng yêu thích. Tôi tự tin vì khuynh hướng thời trang của mình không khác thế giới là bao.
- Nhìn lại chặng đường làm nghề, có lúc nào anh ngẫm ngợi về những "được", "mất"?
- Với tôi, bây giờ đi đến đâu đều có người mến mộ và chia sẻ, đó là cái được lớn nhất. Còn cái được hiện tại là đã đặt chân đến Hà Nội. Khi cánh cửa này khép thì cánh cửa khác mở ra, câu này của ai đó mà tôi rất thích. Những gì mất đi sẽ có cái khác bù đắp lại. Cái mất thường đưa đến cho mình nhiều kinh nghiệm hơn cái được.
- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi !
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.