(HNM) - Là tác giả của bức tượng đồng Bác Hồ - Bác Tôn, món quà đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh gửi tặng Thủ đô Hà Nội nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới cho biết, đây là bức tượng ông tâm đắc nhất, tự hào nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.
Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn ở Công viên Thống Nhất. |
Niềm tự hào của cả đời làm nghệ thuật
Bức tượng Bác Hồ bắt tay Bác Tôn được đặt trang trọng ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội) không chỉ là món quà thể hiện tấm lòng "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long" của nhân dân TP Hồ Chí Minh mà còn là một công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tính nhân văn sâu sắc. Để hoàn thành công trình này, từ năm 2009, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội đã tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn trên toàn quốc. Các họa sĩ, nhà điêu khắc trên cả nước đã thực hiện nhiều mẫu tượng làm nổi bật hình ảnh hai vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ở nhiều góc nhìn rất phong phú. Vượt qua tất cả những mẫu tượng đó, tác phẩm của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới (hội viên Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh) đã được chọn với bức tượng thể hiện hình ảnh Bác Hồ bắt tay chúc mừng Bác Tôn sau khi Quốc hội khóa II năm 1960 bầu Bác Hồ làm Chủ tịch nước và Bác Tôn làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới cho rằng, trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, cơ duyên lớn nhất là được chọn thực hiện công trình lịch sử này. Bởi đây là một bức tượng thể hiện hai vị lãnh đạo kính yêu của dân tộc. Bởi được thực hiện một tác phẩm cho Hà Nội luôn là ấp ủ của ông bấy lâu nay. Bởi ông là một trong 25 nhà điêu khắc trên cả nước được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn mời tham gia sáng tác mẫu tượng. Bởi đây là một đề tài khó, nhưng ý tưởng đến rất nhanh. "Hình ảnh Bác Hồ bắt tay Bác Tôn thể hiện sâu sắc tình đồng chí, anh em, một biểu tượng cao quý của tinh thần đoàn kết Bắc - Nam cùng chung một nhà và chân lý không bao giờ thay đổi: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một!" - Nhà điêu khắc kể lại.
Và thế là ông tập trung vào "điểm nhấn" của bức tượng là cái bắt tay của Bác Hồ với Bác Tôn. Cái bắt tay này đã được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và theo ông là điểm thuyết phục Ban giám khảo so với 24 mẫu tượng của các tác giả khác. Mẫu tượng của ông đã giành đến 11 trong tổng số 12 lá phiếu của Hội đồng nghệ thuật ở vòng 1. Khi vào vòng 2, ba mẫu tượng được trưng bày ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để lấy ý kiến quần chúng nhân dân. Ở vòng này, mẫu tượng của ông cũng chiếm được 8/12 phiếu.
Khi mẫu tượng đã được chọn, ông tiếp tục thực hiện các yêu cầu của việc xây dựng tượng như nâng mẫu phác thảo 1,2m ban đầu lên 1,8m, nâng tỷ lệ 1/1 và dựng tượng thử nghiệm bằng thạch cao dưới sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nghệ thuật cùng lãnh đạo hai TP. Trong hơn 8 tháng thực hiện đúc tượng tại cơ sở đúc đồng Phương Nam (quận Thủ Đức), mỗi tuần ông đều dành 2 - 3 ngày chạy đi chạy về mấy chục cây số để giám sát. Ngày 12-7-2010, bức tượng Bác Hồ - Bác Tôn cao 5,4m, đặt trên bệ cao 1,8m, nặng khoảng 20 tấn, được đúc bằng đồng hợp kim đã hoàn thành. Bức tượng đã được nhiều thành viên của Hội đồng nghệ thuật đánh giá là đẹp nhất từ trước đến nay nhờ thành công không chỉ ở các yếu tố kỹ - mỹ thuật mà đã thể hiện được phong thái của hai vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc, từ trang phục, ánh mắt, thế đứng, đến tư thế bắt tay.... Ngày 23-7, tượng được chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng tàu hỏa và được khánh thành vào ngày 3-10-2010 tại Công viên Thống Nhất.
Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới. |
Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới bảo với tôi, đời ông, dù đã có 40 tượng đài trải khắp 15 tỉnh, thành trên cả nước: Hà Nội, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắc Nông, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, nhưng bức tượng Bác Hồ bắt tay Bác Tôn là niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.
Và đam mê tái hiện lịch sử
Có thể nói, Lâm Quang Nới là một trong những nhà điêu khắc làm tượng đài "đắt giá" nhất hiện nay vì mỗi năm ông đều đặn thực hiện từ 2-3 tượng đài, một con số không phải điêu khắc gia nào cũng có thể thực hiện được. Gặp ông thật khó vì lúc nào ông cũng tất bật cho các dự án của mình. Ông kể, năm ngoái đại diện của Kỷ lục Guiness Việt Nam đã đề xuất ông là người làm tượng đài nhiều nhất Việt Nam nhưng ông chưa đồng ý vì còn… tiếp tục làm nữa. Bây giờ ông đang thực hiện 4 dự án là Đài tưởng niệm các chiến sĩ Mậu Thân và tượng đài Đoàn kết toàn dân ở TP Bạc Liêu; tượng đài Chiến thắng An Lão ở tỉnh Bình Định và đang cùng nhà điêu khắc Phạm Thị Mai Hoa thực hiện tượng Anh hùng N'Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên tại đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắc Nông). Với ông, tượng đài cách mạng, tượng đài kháng chiến đã "nhiễm" trong máu, bởi vậy, với "gia sản" 40 tượng đài ở khắp từ Nam chí Bắc, ông vẫn đang tiếp tục rong ruổi khắp các ngả đường đất nước để thực hiện đam mê của mình, đam mê tái dựng lại lịch sử, tái hiện những hình tượng hào hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.