Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tọa đàm trực tuyến ''Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các trường học''

HNMO| 26/08/2022 13:48

(HNMO) - Nhân dịp chuẩn bị bước vào năm học mới 2022-2023, chiều nay, 26-8, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các trường học”.

16:20 26/08/2022

Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, nhiều giải pháp hay 

Phát biểu kết thúc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà cho biết, sau hơn 2 giờ đồng hồ diễn ra hết sức sôi nổi với hàng chục ý kiến hỏi, đáp và phát biểu từ lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo các quận, huyện, ban giám hiệu các trường học..., Tọa đàm trực tuyến “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các trường học” đã giúp độc giả và các khách mời có được bức tranh khá tổng thể về bếp ăn tập thể của các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tọa đàm cũng góp phần làm sáng tỏ những khó khăn, thách thức của công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học hiện nay cũng như đưa ra những giải pháp hữu ích cho vấn đề này trong thời gian tới.

Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lại Bá Hà phát biểu kết thúc tọa đàm.

Tọa đàm này một lần nữa cho thấy, an toàn, vệ sinh thực phẩm là vấn đề nóng. Mặc dù thời gian qua, chúng ta đã có những tiến bộ nhất định, song công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức do dịch bệnh, nhịp độ phát triển kinh tế nhanh, quy mô sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn là nhỏ lẻ khiến nguồn thực phẩm đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Hy vọng, sau buổi tọa đàm này, bạn đọc sẽ có được những thông tin hữu ích, những kiến thức quan trọng về lĩnh vực an toàn thực phẩm và hiểu hơn về công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các trường học để cùng với các sở, ban, ngành cũng như các đơn vị liên quan giám sát chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Tại buổi tọa đàm này còn có sự tham gia của các cơ quan báo, đài của Hà Nội. Các cơ quan này sẽ góp phần cùng Báo Hànộimới đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao vai trò, trách nhiệm các nhà trường, của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm..., nhằm mang lại những bữa ăn chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng và đặc biệt là an toàn, vì một thế hệ trẻ em khỏe mạnh. 

16:19 26/08/2022

Sẽ nhân rộng mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học

Bạn đọc Vũ Minh Ngọc (quận Hà Đông) hỏi: Từ mô hình thí điểm này, dự kiến đến thời điểm nào thành phố sẽ tiếp tục nhân rộng ở các quận, huyện khác?

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội: Hiện nay, đã có 5 quận, 5 huyện và 215 trường tham gia mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Sau khi tham gia được 1 học kỳ (học kỳ 2 năm học 2021-2022), các trường đã tiến hành kiểm tra, đánh giá. Để quyết định có nhân rộng mô hình này hay không thì phải chờ kết thúc năm học 2022-2023 này. Đến cuối năm học, Chi cục an toàn thực phẩm thành phố sẽ tham mưu cụ thể cho thành phố. Nếu mô hình hoạt động tốt, hiệu quả, Chi cục sẽ tham mưu UBND thành phố nhân rộng mô hình này.

Với tư cách là đại diện thường trực về công tác an toàn thực phẩm của thành phố, qua quá trình kiểm tra và đánh giá, chúng tôi nhận thấy, cơ bản các trường, các đơn vị cung cấp suất ăn thực hiện mô hình tương đối tốt. Tuy nhiên, để mô hình hoạt động tốt hơn, hiệu trưởng các nhà trường, trung tâm y tế địa phương cần thường xuyên tham mưu UBND quận về công tác kiểm tra, giám sát định kỳ.

16:17 26/08/2022

Chủ động được đầu vào nên ít bị ảnh hưởng bởi giá thực phẩm leo thang

Bạn đọc Nguyễn Quỳnh Hương (địa chỉ huongquynh@gmail.com) hỏi:Trước tình hình giá cả, đặc biệt là giá một số loại thực phẩm "leo thang" như hiện nay, với tư cách là đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học, Công ty Hương Việt Sinh có biện pháp nào để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa đảm bảo dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cung cấp cho các nhà trường?

Bà Vũ Lan Sinh, Chủ tịch Công ty THHH Hương Việt Sinh: Công ty chúng tôi chủ động phần lớn nguyên liệu đầu vào và chuỗi liên kết cung cấp thực phẩm nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc giá thực phẩm tăng.

Với mặt hàng rau củ quả, công ty đã chủ động sản xuất tại trang trại đặt tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn VietGap. Công ty cũng đầu tư dây chuyền chế biến các mặt hàng như giò, chả, xúc xích, giá đỗ... đạt tiêu chuẩn OCOP. Bên cạnh đó, Công ty cũng ký hợp đồng với các đơn vị chăn nuôi hải sản bảo đảm bình ổn giá thực phẩm. Các đơn vị này đều là công ty cung cấp thực phẩm có uy tín, dễ truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, Công ty vận hành bếp ăn 1 chiều, đầu tư trang thiết bị máy móc, thiết bị chuyên dụng bằng inox... bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi cũng hợp tác với các chuyên gia tư vấn để đa dạng các thực đơn, đồng thời bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh.

16:05 26/08/2022

Tăng cường giám sát và lựa chọn ký hợp đồng với đơn vị uy tín

Bạn đọc Trần Văn Tuấn (quận Thanh Xuân) hỏi: Thực tế cho thấy, một trong những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học là công tác vệ sinh. Ở một số trường, vẫn còn tình trạng dụng cụ chứa chất thải không có nắp đậy, chất thải không được thu dọn, vận chuyển hằng ngày... Khi tham gia mô hình trên, nhà trường sẽ làm gì để giải quyết tình trạng này?

Bà Nguyễn Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân): Công tác vệ sinh là một nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học. Các trường học của quận Thanh Xuân đều định kỳ và đột xuất được đón các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bán trú, bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Không trường nào có tình trạng dụng cụ chứa chất thải không có nắp đậy, chất thải không được thu dọn, vận chuyển hằng ngày.

Khi tham gia mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường học, Trường Tiểu học Nguyễn Tuân đã thực hiện một số biện pháp để bảo đảm công tác vệ sinh tại bếp ăn của nhà trường. Theo đó, nhà trường được lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân đầu tư cơ sở vật chất bếp ăn khang trang. Nhà trường cũng thường xuyên rà soát, bổ sung các trang thiết bị phục vụ công tác bán trú. Trường lựa chọn ký hợp đồng với Công ty Hương Việt Sinh, một trong những đơn vị uy tín, có đầy đủ hồ sơ pháp lý để cung cấp suất ăn cho học sinh và nấu tại bếp của trường. Việc bảo đảm công tác vệ sinh là điều kiện tiên quyết mà nhà trường yêu cầu công ty thực hiện nghiêm túc, trong đó yêu cầu: Khu vực bếp ăn phải bảo đảm một chiều, chế biến đúng quy trình, có thùng đựng rác với nắp đậy kín và túi nilong lót, nhân viên bếp thu dọn chất thải, rác thải để đúng nơi quy định… Nhà trường cũng ký hợp đồng với Hợp tác xã Thành Công để bảo đảm việc vận chuyển, thu gom và xử lý rác ngay trong ngày; thành lập tổ tự giám sát...

Cũng nhờ sự kiểm soát chặt chẽ, công khai công tác vệ sinh và các điều kiện về an toàn thực phẩm, nhà trường luôn làm tốt công tác bán trú, bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng, giáo dục học sinh ý thức giữ vệ sinh chung, góp phần nâng cao sức khỏe và sự an toàn của học sinh. Nhiều năm liền, tại bếp ăn của trường chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào.

16:04 26/08/2022

Việc tập huấn về an toàn thực phẩm được tổ chức hằng tháng, hằng ngày

Bạn đọc Hoàng Anh Minh (quận Hai Bà Trưng) hỏi: Trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm, nhận thức về an toàn thực phẩm của nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm đóng vai trò quan trọng. Việc tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho nhân viên phụ trách bếp ăn sẽ được nhà trường triển khai như thế nào?

Bà Trịnh Hoài Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Khương Đình.

Bà Trịnh Hoài Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Khương Đình: Việc đào tạo, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho lực lượng nhân viên trực tiếp nấu ăn trong nhà trường là việc làm vô cùng cần thiết. Ngay từ đầu năm học, ngành Giáo dục, Y tế đều có các văn bản hướng dẫn các nhà trường về công tác chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm cho trẻ trong các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú. Trên cơ sở đó, trường xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cụ thể cho đội ngũ giáo viên, nhân viên trực tiếp phụ trách công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.

Các kiến thức về an toàn thực phẩm luôn được cập nhật đầy đủ theo các văn bản mới nhất, qua đó lựa chọn các nội dung phù hợp với đặc điểm, tình hình của nhà trường để xây dựng nội dung tập huấn cho phù hợp. Nhà trường lựa chọn các nội dung tập huấn chủ yếu sau: Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với quá trình chế biến thực phẩm; con đường gây ô nhiễm vào thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; cách lựa chọn thực phẩm an toàn; quy trình kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm; các yêu cầu đối với người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm; thực hành chế biến thực phẩm tốt, đảm bảo an toàn; một số quy định pháp luật liên quan đến cơ sở có bếp ăn bán trú… Ngoài ra, chúng tôi còn tập huấn các văn bản liên quan đến công tác an toàn thực phẩm trường học theo quy định của ngành.

Tập huấn về an toàn thực phẩm ở trường chúng tôi có rất nhiều phương thức, mang tính thường xuyên, không chỉ tập huấn hằng năm, mà còn tổ chức tập huấn hằng tháng, thậm chí hằng ngày hoặc bất cứ khi nào có điều kiện. Thông qua các khâu kiểm tra, giám sát và nhắc nhở, góp ý ngay trong quá trình thực hiện công tác chế biến thực phẩm, Ban giám hiệu phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo của nhà trường giám sát suốt quá trình thực hiện và nếu thấy có bất cứ thao tác nào chưa chuẩn chỉ thì phải nhắc nhở và điều chỉnh kịp thời. Những việc làm cụ thể đó là cách tập huấn thiết thực và mang tính hiệu quả cao nhất.

Việc tập huấn công tác an toàn thực phẩm cho nhân viên phụ trách bếp ăn còn được nhà trường lồng ghép thông qua các hội thi trong năm học như: Thi cô nuôi giỏi, thi quy chế chăm sóc nuôi dưỡng... Các nội dung thi đều có phần thi lý thuyết và thực hành về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong nhà trường. Qua các hội thi, Ban giám hiệu nhà trường đánh giá được sự hiểu biết cũng như nhận thức của giáo viên, nhân viên, qua đó có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp, làm cơ sở để Hiệu trưởng nhà trường xác nhận tập huấn an toàn thực phẩm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường.

16:02 26/08/2022

Bể chứa nước được vệ sinh ít nhất 6 tháng/lần

Bạn đọc Trịnh Đình Nguyên (phường Phùng Khoang, quận Thanh Xuân) hỏi: Để xây dựng mô hình điểm thành công, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, các quận, huyện, còn cần sự phối hợp chặt chẽ của các trường học. Vậy khi xây dựng mô hình điểm, các trường có đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị chế biến, bảo quản thực phẩm... không, nhất là trong bối cảnh sau thời gian dài nghỉ dịch và tái khởi động, không ít bếp ăn trường học có sự thay đổi về nhân lực, cơ sở vật chất xuống cấp?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân).

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân): Việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị chế biến, bảo quản thực phẩm là rất quan trọng. Được sự quan tâm của UBND Quận Thanh Xuân, năm 2019, nhà trường đã được xây mới đồng bộ hệ thống bếp ăn khang trang, hiện đại với tổng số tiền đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng, gồm khu sơ chế, khu chế biến, khu vực bảo quản thức ăn và đồ ra, kho thực phẩm, khu vực ăn uống... Bếp ăn được thiết kế theo quy tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng để bảo đảm vệ sinh.

Hằng năm, nhà trường luôn rà soát, tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất, kịp thời đảm bảo an toàn cho học sinh và chất lượng bếp ăn tập thể. Trong đó, năm học 2021-2022, Trường tiểu học Phan Đình Giót trang bị thêm 5 tủ úp khay chia cơm của học sinh có lưới chắn côn trùng…

Về hệ thống thoát nước, nhà trường có hệ thống cống ngầm, nắp đậy kín, được vệ sinh, khai thông thường xuyên. Bể tách mỡ của nhà trường thường xuyên được nạo vét mỗi tuần một lần. Khu vực thay đồ được thiết kế riêng biệt với khu chế biến. Khu vực rửa tay sử dụng nước máy và có xà phòng rửa tay. Khu vực nhà vệ sinh được thiết kế đủ số lượng, đúng quy chuẩn, sạch sẽ.

Nguồn nước ăn của nhà trường cũng được xét nghiệm định kỳ và đảm bảo các thông số theo đúng quy định. Các nguồn nước được kiểm tra chất lượng, bể chứa nước được vệ sinh ít nhất 6 tháng/lần theo quy định.

15:56 26/08/2022

Kiểm tra liên ngành và xét nghiệm nước định kỳ

Độc giả Nguyễn Thị Thục (quận Hoàn Kiếm) hỏi: Một tình huống đặt ra là, khi phát hiện sự cố mất an toàn thực phẩm gây ngộ độc xảy ra tại trường học tham gia mô hình bếp ăn tập thể trên địa bàn, cơ quan chức năng của quận/huyện sẽ xử lý như thế nào?

Bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm thông tin tại tọa đàm.

Bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm: Phòng Y tế đã chỉ đạo các nhà trường ký cam kết về an toàn thực phẩm, thành lập các ban chỉ đạo gồm Ban giám hiệu, đại diện phòng y tế, đại diện cha mẹ học sinh; cập nhật thực đơn hằng ngày trên website nhà trường để cha mẹ học sinh giám sát. Nhà trường khi tổ chức các chuyến đi dã ngoại, tham quan cho học sinh đều phải yêu cầu cơ sở điểm đến cung cấp danh sách thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh. 

Bên cạnh đó, Phòng Y tế quận thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra định kỳ ít nhất 1 năm/lần; thực hiện xét nghiệm nước 6 tháng/1 lần; tổ chức kiểm tra tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống xung quanh nhà trường, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đã triển khai mô hình bếp ăn tập thể tại các trường Nguyễn Du, Trần Quốc Toản. Các trường tự làm xét nghiệm nhanh hằng ngày, lấy mẫu thực phẩm gửi Phòng Y tế quận. Mô hình kiểm soát bếp ăn tập thể cũng đã được triển khai tại 14 trường trên địa bàn.

Quy trình kiểm soát bếp ăn tập thể an toàn được thực hiện như sau: Khi xuất hiện nghi ngờ, có liên quan ngộ độc thực phẩm, các trường phải báo ngay trung tâm y tế; đưa các trường hợp bị ngộ độc đến cấp cứu tại bệnh viện trên địa bàn; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; kiểm tra điều kiện chế biến; làm việc với các nhà cung cấp thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Khi phát hiện nguyên nhân gây ngộ độc do chất lượng nguồn thực phẩm hay do công đoạn chế biến, chúng tôi sẽ có biện pháp xử phạt nghiêm, tuỳ theo mức độ vi phạm.

15:48 26/08/2022

Quan tâm triển khai thí điểm kiểm soát mô hình an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể 

Bạn đọc Vũ Hoàng Lan (huyện Thanh Trì) hỏi: Xin được hỏi đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội: Khi tham gia mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể, các trường học phải đáp ứng các tiêu chí gì? 

Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội: Năm 2022, Hà Nội triển khai thí điểm kiểm soát mô hình an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường tiểu học tại 215 trường thuộc 5 quận, 5 huyện. Các bếp ăn tập thể trường học tham gia thí điểm phải đáp ứng các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm như:

(1) Điều kiện cơ sở vật chất: Bố trí phù hợp, phân khu riêng biệt giữa thực phẩm sống, thực phẩm chín, đảm bảo không lây nhiễm chéo, có đủ biện pháp ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại;

(2) Đảm bảo đủ điều kiện trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm;

(3) Người tham gia chế biến thực phẩm tuân thủ các quy định vệ sinh cá nhân như: Được khám sức khỏe định kỳ theo quy định, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được xác nhận, trang phục bảo hộ lao động riêng biệt khi tham gia chế biến thực phẩm;

(4) Đảm bảo điều kiện bảo quản các thực phẩm tươi sống và thực phẩm bao gói sẵn. Đặc biệt, phối kết hợp với các cơ quan chức năng tham gia việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhằm ngăn chặn các thực phẩm không an toàn được sử dụng làm nguyên liệu chế biến món ăn. 

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tại các nhà trường trong thời gian tới, chúng tôi tăng cường kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị vi phạm. Đồng thời, quan tâm đầu tư trang thiết bị chế biến thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ công tác vệ sinh cá nhân, chế biến thực phẩm theo quy định; phát huy mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm... Qua thực tế kiểm tra tại bếp ăn tập thể của các quận, huyện thời gian qua, có thể khẳng định, công tác quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn của các đơn vị đều được thực hiện rất nghiêm túc, hiệu quả.

15:47 26/08/2022

Thực hiện phương châm “Thực phẩm chất lượng, bữa ăn an toàn”

Bạn đọc Trần Thu Hà (quận Ba Đình) hỏi: Khi ký hợp đồng cung cấp suất ăn cho các trường học, các công ty cung cấp suất ăn phải có đầy đủ thủ tục pháp lý liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm. Nhưng thực tế cho thấy, các vụ ngộ độc ở trường học vẫn xảy ra. Điều đó chứng tỏ, thủ tục pháp lý chưa phải là một "bảo chứng" giá trị. Vậy, nếu xảy ra sự cố gây mất an toàn thực phẩm trong nhà trường, công ty cung cấp suất ăn trường học sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Là một đơn vị cung cấp suất ăn học đường lớn tại Hà Nội, Công ty TNHH Hương Việt Sinh đã có những biện pháp nào để bảo đảm chất lượng thực phẩm được cung cấp vào trường học?

Bà Vũ Lan Sinh, Chủ tịch Công ty TNHH Hương Việt Sinh.

Bà Vũ Lan Sinh, Chủ tịch Công ty TNHH Hương Việt Sinh: Khi ký kết Hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú tại các trường học, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm ngay từ đầu vào, kiểm soát các khâu chế biến ra thành phẩm, chứ không chỉ là đủ hồ sơ, giấy tờ, thủ tục pháp lý. Theo đó, công ty chúng tôi chủ động sản xuất phần lớn nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào là rau củ quả, các sản phẩm chế biến. Những mặt hàng không chủ động được thì công ty sẽ liên kết theo chuỗi với các đơn vị có uy tín và có các bộ phận chuyên môn kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào.

Để kịp thời ứng phó với các tình huống mất an toàn thực phẩm, chúng tôi đã thành lập bộ phận Kiểm soát an toàn, bộ phận này sẽ phối hợp với nhà trường và báo cáo các cơ quan chuyên môn để xử lý tình huống nhanh nhất. Ngoài ra, chúng tôi chịu mọi trách nhiệm trước phụ huynh, nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước về việc mất an toàn thực phẩm tại trường theo quy định.

Công ty TNHH Hương Việt Sinh chúng tôi đã có thời gian hoạt động hơn 10 năm trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm, suất ăn trường học, hiện đang cung cấp gần 90.000 suất ăn cho gần 80 trường tại thành phố Hà Nội. Với phương châm “Thực phẩm chất lượng, bữa ăn an toàn”, công ty thường xuyên quán triệt đến từng cán bộ, công nhân viên về nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm, trên cơ sở đó tìm giải pháp khắc phục hiệu quả, kịp thời.

Trước tình hình giá một số thực phẩm gia tăng, để vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa bảo đảm dinh dưỡng cho bữa ăn của các trường học, Công ty TNHH Hương Việt Sinh tiếp tục chủ động phần lớn nguyên liệu đầu vào và liên kết với các chuỗi nguyên liệu có kiểm soát.

15:45 26/08/2022

Mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học đem lại nhiều lợi ích cho học sinh

Bạn đọc Nguyễn Khánh Hà (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) hỏi:Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kỳ vọng gì ở mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học mà ngành Y tế triển khai?

Ông Kiều Cao Trinh, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Khoa học công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học mà ngành Y tế đang triển khai là mô hình mới, được triển khai tại 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Việc triển khai mô hình này góp phần tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Ngành Giáo dục và Đào tạo xác định, đây là mô hình đem lại nhiều lợi ích cho học sinh, vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng triển khai. Chúng tôi cũng hy vọng mô hình này sẽ được triển khai thành công và được nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố, tiến tới mục tiêu bảo đảm tuyệt đối an toàn thực phẩm cho học sinh trong các cơ sở giáo dục đào tạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm trực tuyến ''Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của các trường học''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.