Trong bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết nên một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và để lại dấu ấn không phai mờ trong tiến trình phát triển của nhân loại.
Chiều 18-6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học: 100 năm bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” (18/61919-18/6/2019).
Các đồng chí chủ trì tọa đàm. |
Cách đây một thế kỷ, ngày 18-6-1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị hòa bình Versailles (Pháp) bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”.
Đây là một sự kiện lịch sử gắn liền với sự xuất hiện lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc, để từ đây, tên tuổi, sự nghiệp vĩ đại của Người cống hiến cho dân tộc và nhân loại được tôn vinh: Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.
Báo cáo đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Kỷ niệm 100 năm ra đời bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” là dịp để toàn Đảng, toàn dân ta nhận thức sâu sắc hơn về công lao và cống hiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân loại. Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã viết nên một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và để lại dấu ấn không phai mờ trong tiến trình phát triển của nhân loại. Người trở thành Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất.
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Quốc Lý khẳng định: “Tọa đàm là dịp chúng ta nghiên cứu, học tập và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa chính trị và giá trị lịch sử của bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” đối với phong trào cách mạng Việt Nam. Đồng thời, đánh dấu sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, tư tưởng của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, đánh dấu một bước ngoặt trên hành trình tìm đường cứu nước của một vĩ nhân: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh”.
Ngày 18-6-1919, sau khi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước tham chiến đã họp Hội nghị hòa bình tại Versailles để phân chia lại thị trường thế giới theo hướng có lợi cho các nước đế quốc thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp; đồng thời xác định mức bồi thường chiến phí đối với các nước thua trận.
Thay mặt những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành, ký tên là Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Văn phòng Hội nghị và các đoàn đại biểu tham dự hội nghị bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”. Bản yêu sách gồm 8 điểm, yêu cầu Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ cơ bản tối thiểu cho nhân dân Việt Nam và xứ Đông Dương.
Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc đã có thư gửi Tổng thống Mỹ Thomas Woodrow Wilson kèm bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, đề nghị Tổng thống Mỹ ủng hộ trước những người có thẩm quyền về các nội dung đã nêu trong bản yêu sách.
Bản yêu sách được in bằng tiếng Pháp trên Báo L Humanite (Nhân đạo), cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp cùng ngày. Ngoài ra, Nguyễn Ái Quốc còn in thêm hàng nghìn tờ truyền đơn cũng bằng tiếng Pháp để phân phát trong các cuộc hội họp, mít tinh, gửi đi nhiều nơi; đến các nhà hoạt động chính trị, các Việt kiều ở Pháp và bí mật chuyển về Việt Nam. Sau đó, Người cũng viết lại bản yêu sách bằng hai thứ tiếng: Một bản bằng chữ Quốc ngữ theo thể văn vần với nhan đề: “Việt Nam yêu cầu ca”; một bản chữ Hán với nhan đề “An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư” dành cho những người không biết tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ.
Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” được lan truyền rộng rãi, gây tiếng vang lớn trong dư luận nước Pháp và các nước thuộc địa; làm thức tỉnh tinh thần đấu tranh yêu nước của các tầng lớp nhân dân Việt Nam và Đông Dương.
Toàn cảnh tọa đàm. |
Các đại biểu dự tọa đàm đã cùng nhau thảo luận làm rõ một số nội dung trọng tâm của bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” như: Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” là bản tuyên bố chính trị đầu tiên của nhân dân Việt Nam. Sự ra đời của bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” là sự kiện mở đầu cho cuộc đấu tranh đòi quyền dân tộc cơ bản, quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc trong những năm đầu thế kỷ XX. Bản yêu sách và sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc là nguồn động lực cho cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa.
Các đại biểu thống nhất cho rằng, thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi. Tư tưởng của Người là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Tư tưởng đó đã, đang và sẽ tiếp tục dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
PGS,TS Bùi Đình Phong, chuyên gia cao cấp của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho rằng, bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” đã thể hiện tính hiện đại, phổ quát nhưng mang tính chất đặc thù Việt Nam. 8 điểm trong bản yêu sách sau 100 năm vẫn còn nguyên giá trị...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.