(HNM) - Từ trực tiếp xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm các vụ án, bản án sau khi tuyên có hiệu lực thi hành ngay, không có quyền chống án sang phương thức chỉ đạo ở nhiều trình tự xét xử: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị...
Một phiên xét xử tại Tòa án quân sự. |
Thượng tôn pháp luật
Cách mạng Tháng Tám thành công đã xóa bỏ chính quyền nhà nước thực dân phong kiến. Chỉ sau 11 ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 33c ngày 13-9-1945 thiết lập các TAQS trên toàn Việt Nam. Đây chính là loại hình tòa án đầu tiên của Nhà nước ta. Các TAQS mà thực chất là tòa án cách mạng ra đời trong điều kiện đất nước ta vừa giành được độc lập, chịu sự phá hoại của lực lượng thù địch và là công cụ sắc bén đầy hiệu lực của Nhà nước nhằm trừng trị, đè bẹp sự phản kháng của bọn thực dân phong kiến vừa bị lật đổ, củng cố thành quả cách mạng, xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, trong chiến tranh hay trong hòa bình, các TAQS luôn bám sát các đơn vị quân đội, bám sát chiến trường, đưa 98% số vụ án thụ lý hằng năm đi xét xử lưu động phục vụ chính trị, giáo dục pháp luật nên có tác dụng, hiệu quả cao trong phòng, chống tội phạm; góp phần làm giảm vi phạm, tội phạm trong quân đội và trong địa bàn. Từng xét xử hàng nghìn vụ án, trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng với các tội danh bạo loạn, âm mưu lật đổ chính quyền... song 65 năm qua, các TAQS luôn bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào xử oan người vô tội, không có đơn từ khiếu nại...
Chăm lo bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp
Theo Thiếu tướng Trần Văn Độ, Chánh án TAQS Trung ương, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, các TAQS luôn chú trọng xây dựng ngành về mọi mặt, đặc biệt là về tổ chức cán bộ; về bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động xét xử. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ ''cán bộ là cái gốc của mọi công việc'', ngành TAQS đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để tiêu chuẩn hóa cán bộ trong ngành trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp (CCTP); chăm lo bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác xét xử... Nhờ vậy, từ chỗ hầu hết là cán bộ chính trị, quân sự ''tay ngang'' chuyển sang công tác xét xử, chưa có kiến thức pháp lý; đến nay 100% cán bộ ngành TAQS đã được đào tạo cơ bản, vững về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, có cái tâm trong sáng ''Phụng công - thủ pháp - chí công, vô tư''.
Quán triệt Nghị quyết số 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020 và Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương về lãnh đạo thực hiện chiến lược CCTP trong quân đội đến năm 2020 (giai đoạn 2007-2010), TAQS Trung ương đã triển khai nghiên cứu nhiều đề án. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết của Đảng, nghiên cứu thực trạng các TAQS nói riêng, các cơ quan tư pháp của Nhà nước nói chung, tham khảo pháp luật của một số quốc gia, ngành TAQS đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số nội dung quan trọng, nhằm tập trung bảo vệ kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của quân đội và bảo đảm sự thống nhất của pháp luật.
''Trong quá trình hoạt động, ngành TAQS đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó xây dựng tổ chức vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ về mọi mặt là nhân tố thường xuyên, quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của ngành. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường hiện nay, để thực hiện nghiêm chiến lược CCTP trong quân đội, càng rất cần xây dựng và rèn giũa đội ngũ cán bộ làm công tác xét xử dám chịu trách nhiệm, luôn đứng vững trước những cám dỗ đời thường để giữ được cái tâm trong sáng, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhưng không phải để vùi dập con người, mà để cho người phạm tội có cơ may làm lại cuộc đời, đó mới là mục tiêu cao nhất mà ngành TAQS hướng tới'' - Thiếu tướng Trần Văn Độ chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.