Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tô Hiền - “Ông Trưởng đoàn”

ANHTHU| 30/07/2006 09:18

Nhắc tới ông Tô Hiền, người ta phải kể tới quãng thời gian làm trưởng đoàn bóng đá Việt Nam dự Tiger Cup lần thứ nhất - 1996. Đó cũng là lần duy nhất ông làm trưởng đoàn bóng đá quốc gia tại một giải đấu quốc tế chính thức. Nhưng đấy là lần làm trưởng đoàn để đời...

Nhắc tới ông Tô Hiền, người ta phải kể tới quãng thời gian làm trưởng đoàn bóng đá Việt Nam dự Tiger Cup lần thứ nhất - 1996. Đó cũng là lần duy nhất ông làm trưởng đoàn bóng đá quốc gia tại một giải đấu quốc tế chính thức. Nhưng đấy là lần làm trưởng đoàn để đời...

“Nhày vào vạc dầu”

Thành công bất ngờ của đội tuyển bóng đáViệt Nam tại SEA Games 18 năm 1995 tưởng chừng sẽ đưa bóng đá Việt Nam, cụ thể là đội tuyển quốc gia đi vào quỹ đạo phát triển mới, ổn định hơn. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sau niềm vui nhất thời, sau sự tung hô của nhiều giới với thành tích bất ngờ của đội nhà là nỗi lo khi đội tuyển Việt Nam tập trung chuẩn bị cho giải vô địch bóng đá Đông Nam á, còn gọi là Tiger Cup lần thứ nhất năm 1996. Đó cũng là lúc những mâu thuẫn trong nội bộ Ban huấn luyện bùng phát. Sự thờ ơ, thiếu hợp tác của 2 HLV phó khiến HLV trưởng Weigang phải ôm đồm nhiều công việc lẽ ra không phải của mình. Thậm chí có lúc HLV phó còn lấn quyền, xông ra chỉ đạo đội bóng, khiến Weigang phát cáu và từng gửi thư lên LĐBĐ Việt Nam khóa 2 bày tỏ sự bức xúc của mình với hai trợ lý người Việt Nam cũng như cách hành xử của LĐBĐ Việt Nam trong việc giải quyết rốt ráo những mâu thuẫn trong BHL đội tuyển. Đội tuyển lúc đó được ví như “rắn hai đầu” hay đúng hơn là rắn không đầu. Nguy cơ đội tuyển Việt Nam không đoạt huy chương tại Tiger Cup hiện rõ. Trước tình hình này, LĐBĐ Việt Nam mới nghĩ đến giải pháp tìm một trưởng đoàn cho đội tuyển để ổn định nội bộ. Nhưng là ai sẽ nhận cương vị này bởi đấy là vị trí khó khăn, người được chọn phải có uy tín, tập hợp được người khác và đặc biệt nguy cơ thân bại danh liệt cao. Lúc đấy một số người đã được mời vào chức danh này trong đó có ông Tô Hiền nhưng tất cả đều từ chối bởi đơn giản chẳng ai muốn nhảy vào vạc dầu. Cuối cùng Tổng cục TDTT, LĐBĐ Việt Nam vẫn quyết tâm chọn ông Tô Hiền. Vấn đề là phải có người thuyết phục được ông. Và người đó không ai khác là bà Nguyễn Hoàng An - vợ ông.

Bà An nhớ lại: “Lúc tôi đang ở sân Thống Nhất để dự một giải điền kinh quốc tế thì ông Nguyễn Tấn Minh, Phó Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam, phụ trách khu vực phía Nam đến bắt chuyện và đề nghị tôi thuyết phục giúp LĐBĐ Việt Nam để chồng tôi chấp nhận vai trò trưởng đoàn bóng đá Việt Nam tại Tiger Cup 1996. Khi ấy tôi cũng nắm được tình hình rối ren trong đội tuyển Việt Nam nên không từ chối mà cũng không nhận lời”. Sau đợt ấy, không hiểu bà An nói gì mà cuối cùng ông Tô Hiền cũng nhận lời. LĐBĐ Việt Nam mừng khôn xiết đến nỗi đích thân ông Trần Bảy - Tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam đội mưa vội đi sang Tổng cục TDTT làm thủ tục trao trách nhiệm cho ông Tô Hiền. Chưa cầm quyết định trên tay nhưng ông Tô Hiền đã tức tốc vào TP Hồ Chí Minh, nơi đội tuyển quốc gia đang tập trung. Trước lúc ông đi, bà An đã liệu trước khó khăn trong buổi đầu gặp BHL của chồng nên đã đi mua một túi bánh đậu xanh để ông Tô Hiền gửi tặng HLV Weigang, đã quen biết bà từ trước.

Đúng như dự liệu của bà An, khi ông Tô Hiền có buổi họp đầu tiên với BHL đội tuyển quốc gia, không khí trĩu nặng. Đến đây ông Tô Hiền gửi tặng Weigang quà Hà Nội của bà An thì gương mặt “vị thuyền trưởng” người Đức dãn ra vì biết người sắp cộng tác với mình là chồng của một người bạn chứ không phải là người của LĐBĐ Việt Nam cài vào để vô hiệu hóa ông. Lúc này ông Tô Hiền mới tỏ rõ vai trò, ông xác định nhiệm vụ của từng người: “Tôi phụ trách công tác đối nội, đối ngoại của đội tuyển, ông Weigang phụ trách chuyên môn, thành tích của đội, các HLV phó có vai trò giúp việc cho ông Weigang”. Ông nói xong tất cả BHL đều đồng ý. Weigang lại vui vẻ tiếp tục công việc. Những đợt sóng trong đội tuyển đã biến mất bắt đầu từ buổi họp hôm đó.

Quả khế nơi đất khách

Đội tuyển Việt Nam dự Tiger Cup 1996 được đánh giá là ứng cử viên vô địch. Nhưng bất ngờ xảy ra đến ở lượt trận thứ hai gặp Lào. Trước đối thủ thua kém hoàn toàn, đội tuyển Việt Nam lại bị dẫn bàn trước và phải đến gần cuối trận, cú sút phạt trực tiếp đập người hậu vệ Lào của Lê Huỳnh Đức mới giúp đội tuyển Việt Nam có được 1 điểm. Sau trận ấy, ông Weigang bừng bừng tức giận trước cảnh một số tuyển thủ thi đấu dưới sức mình và đã đòi đuổi 4 tuyển thủ là Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Chí Bảo về nước. Năm ấy Weigang gây chú ý với câu nói: “Các anh đã nhận bao nhiêu tiền để thi đấu như vậy ?”. Đến lúc này, ông Tô Hiền buộc phải lên tiếng xoa dịu Weigang để ông dứt cơn thịnh nộ, chấp nhận cho 4 tuyển thủ kia tập luyện trở lại để “đoái công chuộc tội”. Ông vừa xoa dịu Weigang vừa động viên cầu thủ bằng cách độc đáo - lấy một quả khế bên phòng ông Weigang rồi gắn với quê hương như lời một bài hát đang thịnh hành khi ấy và cả đội cùng hát bài “Quê hương”. Bao nhiêu buồn bực, nghi ngờ lẫn nhau của các tuyển thủ tan biến thay vào đó là sự quyết tâm thi đấu. Trận sau đó, đội tuyển Việt Nam thắng Mianma - đang là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch 4-1, để có cơ hội vào bán kết. Nhiều người đã nhận xét rằng, nếu không phải là người tinh tế thì ông Tô Hiền chẳng đưa ra được quả khế trước buổi họp đấu pháp hôm ấy để kích thích tinh thần cầu thủ. Nếu không được tiêm một liều doping quý giá như vậy có lẽ các tuyển thủ Việt Nam khó lọt vào vòng bán kết. Năm ấy con thuyền đội tuyển quốc gia dự Tiger Cup cập bến an toàn dù không đoạt HCV nhưng cũng đủ kéo hàng chục nghìn người ra sân bay Tân Sơn Nhất đón chào đội tuyển trở về.

Sau lần ấy, ông Tô Hiền không bao giờ làm trưởng đoàn. Hai năm sau ông mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời ở tuổi 58, cái tuổi mà rất nhiều người hy vọng ông vẫn đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam. Các Sở TDTT, các đơn vị thể thao khác, các cựu cầu thủ khắp cả nước... đều đến chia buồn với gia đình ông. Ngay cả người trong nghề cũng phải công nhận: “Không phải ai cũng được như ông Tô Hiền”. Còn cựu danh thủ Từ Như Hiển khẳng định: “Chị An và các con anh Hiền phải tự hào vì đã có một người chồng, người cha như vậy”.

Thùy An

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tô Hiền - “Ông Trưởng đoàn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.