Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổ công tác của Thủ tướng thực hiện 104 cuộc kiểm tra trong gần 5 năm hoạt động

Đình Hiệp| 16/03/2021 08:59

(HNMO) - Ngày 16-3, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự còn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, cùng đại diện các bộ, ngành liên quan.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh tham dự tại điểm cầu Hà Nội.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, cùng đại diện các sở, ngành liên quan của thành phố.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 1-8-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực mình quản lý. Từ đòi hỏi thực tiễn và trên cơ sở các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế làm việc của Chính phủ, ngày 19-8-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1642/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với chức năng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Tổ trưởng với nhiệm vụ chính là đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành địa phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau gần 5 năm hoạt động, Tổ công tác đã thực hiện 104 cuộc kiểm tra đối với 22 bộ, cơ quan ngang bộ; 2 cơ quan thuộc Chính phủ; 44 địa phương; 12 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Qua các cuộc kiểm tra, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được quán triệt, đôn đốc thực hiện. Đồng thời, đưa ra các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể đi vào cuộc sống. Cùng với đó, nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và nhiều khoảng trống pháp lý, nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, dư luận quan tâm, bức xúc liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan địa phương đã được phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời.

Từ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 87 Luật, Nghị định, Thông tư về kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh được rà soát, sửa đổi, bổ sung và thay thế để cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh và 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành có chồng chéo đã được các bộ, ngành có phương án xử lý. Việc cắt giảm này đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân, doanh nghiệp khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Tại hội nghị, 13 ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương đều đánh giá cao hoạt động của Tổ công tác trong gần 5 năm qua, qua đó, góp phần thúc đẩy các bộ, cơ quan, địa phương chuyển động mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, các cuộc làm việc, kiểm tra của Tổ công tác đã có tác động lan tỏa, tạo áp lực thúc đẩy các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng nêu những bài học kinh nghiệm, kiến nghị cụ thể để Tổ công tác hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn nữa trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại những kết quả nổi bật mà Tổ công tác đạt được trong gần 5 năm qua khi hoàn thành tốt cả 6 nhiệm vụ được giao. Trong đó, đáng chú ý là đến tháng 12-2016, sau khi Tổ công tác được thành lập 4 tháng, đã kéo giảm tỷ lệ nợ đọng nhiệm vụ xuống còn 2,82%, tạo tiền đề và bước chuyển căn bản về kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tính đến cuối năm 2020, chỉ còn 180/9.721 số nhiệm vụ quá hạn, chiếm 1,8% - giảm 23,4% so với năm 2016 - khi Tổ công tác chưa thành lập. Trong cả nhiệm kỳ 2016-2021 (tính đến hết tháng 2-2021), đã có 2.492/2.504 đề án giao được hoàn thành, đạt 99,5%, chỉ còn 12 đề án chưa hoàn thành, giảm 47 đề án so với nhiệm kỳ trước.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Nêu ví dụ trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án số 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội), UBND thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với sự vào cuộc tích cực của các thành viên của Tổ công tác đã tham mưu hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương đã có chuyển biến rõ rệt hơn, góp phần tích cực xây dựng một “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”.

Đúc kết hoạt động của Tổ công tác trong 8 chữ “quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, thực chất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới, Tổ công tác cũng như các bộ, cơ quan, địa phương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong bối cảnh nền kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, cần tăng cường phương thức lãnh đạo; đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc để việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ giao đạt kết quả cao nhất.

Nhấn mạnh thời gian qua vẫn còn tình trạng trì trệ trong giải quyết công việc ở một số bộ, ngành, địa phương; sự lạc hậu trong một số cơ chế, chính sách, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục tháo gỡ mạnh mẽ các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển. Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, bằng lòng với những kết quả đạt được, mà cần đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, không để nợ đọng nhiệm vụ.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề cao vai trò, trách nhiệm, đề ra các giải pháp quyết liệt, hiệu quả để giải quyết tình trạng chậm ban hành các văn bản pháp luật; không để xảy ra tình trạng chồng chéo, vướng mắc trong cơ chế, chính sách; không để ban hành sai những cơ chế kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổ công tác của Thủ tướng thực hiện 104 cuộc kiểm tra trong gần 5 năm hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.