(HNMO) - Hướng tiếp cận của dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) trong việc tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho người bị oan nhận được nhiều tranh luận của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 31-5.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định. |
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trình bày trước QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định viện dẫn Khoản 5, Điều 34, Bộ luật Dân sự quy định: “Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại” để cho rằng việc xin lỗi, cải chính công khai luôn gắn với quyền yêu cầu của người bị thiệt hại.
Với tính chất của một quyền nhân thân thì bên có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên có quyền thực hiện quyền yêu cầu của mình. Quy định cơ quan nhà nước chủ động tiến hành xin lỗi, cải chính công khai mà không cần yêu cầu từ phía người bị oan sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt về quyền nhân thân của người bị oan. Hơn nữa, khi mới có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường mà chưa có yêu cầu bồi thường thì cũng chưa xác định được cơ quan giải quyết bồi thường để tiến hành xin lỗi, cải chính công khai.
Tuy nhiên, để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người bị oan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan bổ sung quy định: Khi thụ lý hồ sơ, trường hợp trong văn bản yêu cầu bồi thường không có yêu cầu phục hồi danh dự thì cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm làm rõ người bị thiệt hại có yêu cầu phục hồi danh dự hay không tại điểm a, khoản 2, Điều 42 của dự thảo luật; đồng thời, bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu phục hồi danh dự tại khoản 1, Điều 6 của dự thảo luật".
Cho rằng quy định như dự thảo luật cần cân nhắc thêm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phân tích việc trích dẫn Điều 34 của Bộ luật Dân sự vào đây là chưa phù hợp. Bởi đây không phải là cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự mà đây là cá nhân đã bị cơ quan tố tụng làm oan trong quá trình giải quyết vụ án.
"Phục hồi danh dự của người bị oan phải là trách nhiệm công vụ chứ không phải là quan hệ dân sự. Chúng ta phải thấy được tính chất rất nghiêm khắc của các biện pháp tố tụng hình sự, nếu các biện pháp này được áp dụng thì sẽ phát huy tác dụng trong việc phát hiện tội phạm, nhưng nếu các biện pháp này áp dụng sai thì hậu quả nó để lại cho người bị oan là rất nghiêm trọng" - Đại biểu Thủy nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). |
Qua theo dõi công tác tư pháp, đại biểu cũng chia sẻ về khó khăn của các ngành Tố tụng, bởi vì cùng với quá trình chuẩn bị tội phạm thì kẻ phạm tội cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc che giấu tội phạm. Tuy nhiên, có một vấn để ở đây là đã có một vụ án oan xảy ra, đã có một người vô tội bị đưa vào vòng tố tụng. Do đó, hơn ai hết, trước khi mong Nhà nước bồi thường về vật chất thì người bị oan mong muốn được Nhà nước tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ để họ được trở thành người bình thường trong xã hội và không phải chịu những ánh mắt canh chừng của xã hội.
Điều 42 của dự thảo luật mặc dù đã được chỉnh lý như ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nhưng về bản chất vấn là người bị oan có đơn yêu cầu, Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự. Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh lý điều này theo hướng là trong mọi trường hợp, sau khi có văn bản xác định là oan thì cơ quan tố tụng chủ động tổ chức xin lỗi công khai người bị oan và phục hồi danh dự cho họ, trừ trường hợp người bị oan đề nghị không tổ chức xin lỗi công khai để có thể bao quát được hết những tình huống trong thực tiễn mà vẫn phát huy được trách nhiệm đầy đủ, cầu thị của Nhà nước.
Không đồng tình với một số ý kiến và báo cáo của Ủy ban Pháp luật trình Quốc hội về việc cần phải có đơn của người oan sai thì chúng ta mới xin lỗi công khai, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu: "Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước văn minh, mà Nhà nước văn minh phải là một Nhà nước lịch sự, bất kỳ ai phạm lỗi với một cá nhân nào đó người ta còn phải xin lỗi trước, thậm chí chưa cần phải nói rằng anh phải xin lỗi tôi người ta đã phải xin lỗi. Văn minh thì phải có lịch sự nên Nhà nước chúng ta phải lịch sự.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). |
Không phải tất cả người dân đều hiểu được quyền của mình. Chúng ta quy định dân có rất nhiều quyền nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được, đặc biệt là những người có trình độ văn hóa thấp, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tôi cho rằng trường hợp này chúng ta phải hết sức công bằng với người dân.
Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước phục vụ. Một Nhà nước phục vụ thì không cần thiết phải để người dân xin mình thì mới phục vụ mà phải tự mình đi phục vụ" - Đại biểu Nhưỡng nêu quan điểm Nhà nước cần phải thực hiện nghĩa vụ này một cách chủ động hơn là bắt buộc người dân phải đi đòi hỏi.
Đồng tình với cả hai ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc cơ quan làm oan sai và người làm oan sai chủ động xin lỗi là một vấn đề rất quan trọng. Cơ quan Nhà nước chủ động tiến hành xin lỗi cải chính công khai mà không cần yêu cầu từ phía người bị oan là rất cần thiết và rất nhân văn.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (TP Hà Nội) nhấn mạnh, dự thảo luật mới chỉ quy định về các hình thức phục hồi danh dự và giao Bộ Tư pháp quy định về trình tự, thủ tục, trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai, đăng báo xin lỗi cải chính công khai. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng xin lỗi qua loa, chiếu lệ như báo chí và dư luận xã hội phản ánh trong thời gian qua, dự thảo cần quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục phục hồi danh dự để các cơ quan thực hiện thống nhất.
Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội). |
Đặc biệt, do đặc thù của hoạt động tố tụng hình sự, việc làm sai có thể do nhiều cơ quan chứ không phải do một cơ quan, nên cần phải quy định cụ thể thành phần tham gia trong buổi trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai bao gồm đại diện lãnh đạo của các cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan để bảo đảm tính cầu thị thực sự người dân đối với việc làm sai của mình.
Đề cập đến một khía cạnh khác, đại biểuLý Tiết Hạnh (Bình Định) nêu, quy định của dự thảo luật thì nơi thực hiện việc trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai là nơi người bị thiệt hại cư trú và đề nghị bổ sung nội dung quy định cho linh hoạt, phù hợp đối với trường hợp cá nhân bị gây ra thiệt hại ở một nơi, nhưng sau đó vì một lý do nào đó đã chuyển đi cư trú nơi khác.
"Trong thực tế người ta mong muốn được công khai xin lỗi tại nơi gây ra thiệt hại. Tại nơi cư trú mới, người ta không mong muốn ai biết được hành vi trước đây mình như thế nào, quá khứ của mình đau buồn ra sao" - Đại biểu Hạnh phân tích.
Làm rõ thêm các vấn đề mà các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long lý giải, về phục hồi danh dự, theo nguyên tắc của Bộ luật Dân sự, phương thức bảo vệ quyền của mình bắt đầu chủ động từ bên nguyên đơn. Trong trường hợp có xin lỗi cũng phải buộc có xin lỗi và cải chính công khai theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, do còn ý kiến khác nhau của các ĐBQH nên cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục tiếp thu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.