Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổ chức pháp chế: Thiếu và yếu

Hà Phong| 04/01/2011 06:31

(HNM) - Tổ chức pháp chế được mệnh danh là


Chưa tương xứng với nhiệm vụ


Một buổi bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh do CLB Pháp chế doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ) tổ chức.


Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện mới chỉ có 2/14 doanh nghiệp nhà nước ở TƯ có bộ phận pháp chế độc lập; 8/14 doanh nghiệp lập phòng, ban này trên cơ sở kết hợp với công tác khác. Ở địa phương, lực lượng pháp chế càng đìu hiu. Phải chăng chính vì trình độ chuyên môn chưa cao, kinh nghiệm thực tiễn không nhiều nên đội ngũ này chưa được chú trọng?

Theo quy định của pháp luật, cán bộ pháp chế doanh nghiệp đảm đương rất nhiều khâu, từ làm đầu mối giúp hội đồng quản trị, tổng giám đốc; chuẩn bị ý kiến bằng văn bản đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đến dự thảo các hợp đồng; tham gia quá trình đàm phán, ký kết làm ăn; rà soát văn bản… Để hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ trên, đòi hỏi họ phải có trình độ pháp lý uyên thâm cùng với những hiểu biết về lĩnh vực kinh tế, tổ chức nhân sự. Điều này, hẳn rất mâu thuẫn với chế độ kiêm nhiệm hiện nay của phần lớn các cán bộ pháp chế. Theo khảo sát, với số lượng cán bộ pháp chế trung bình khoảng 6-7 người một đơn vị trong toàn bộ tập đoàn, tổng công ty, trong đó không ít người thực hiện nhiều đầu việc khác nữa thì không thể đáp ứng được yêu cầu của công tác pháp chế. Vì vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam vẫn phải sử dụng dịch vụ của các hãng tư vấn pháp luật trong và ngoài nước.

Ở các bộ, đơn vị ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhiệm vụ của tổ chức này càng nặng nề, thể hiện qua việc phải rà soát hàng ngàn văn bản với hàng trăm thủ tục hành chính. Cán bộ pháp chế tuy có trình độ cao, song số lượng rất mỏng. Vụ Pháp chế Bộ Y tế chỉ có 7 cán bộ pháp chế, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ mỗi bộ có khoảng 10 người… Nhưng những năm gần đây không ít công chức làm công tác pháp chế đã xin ra khỏi biên chế, đi làm việc cho các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh với nhiều ưu đãi, khiến một số tổ chức pháp chế vốn đã thiếu người có kinh nghiệm lại càng khó khăn hơn.

Tại cơ quan chuyên môn ở UBND các địa phương và không ít sở, ngành, tình trạng càng bi đát. Ngay tại Hà Nội, mặc dù đã có quy định, dự thảo quyết định, chỉ thị của UBND cấp huyện phải được cơ quan tư pháp cùng cấp thẩm định trước khi trình UBND. Sau khi ban hành, chậm nhất là ba ngày kể từ ngày ký ban hành thì văn bản (VB) của HĐND, UBND cấp huyện phải được gửi đến Sở Tư pháp để kiểm tra. Tuy nhiên, đa số các quận, huyện đều "bỏ quên" khâu này. Điển hình như huyện Chương Mỹ, toàn bộ VB do UBND huyện ban hành không có VB thẩm định của cơ quan tư pháp, nên nhiều lỗi về mặt thể thức không được phát hiện, xử lý kịp thời.

Rối từ quy định mở

Luật sư Nguyễn Minh Đức - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, công tác pháp chế hiện nay đang rối từ quy định mở. Theo Điều 10, Nghị định số 122/2004/NĐ-CP: "Căn cứ vào nhu cầu về công tác pháp chế, các cơ quan, đơn vị… thành lập tổ chức pháp chế phù hợp, bố trí cán bộ pháp chế hoặc thuê cố vấn pháp lý". Đây là nội dung có tính chất không bắt buộc dẫn đến sự tùy tiện khi thực hiện. Hậu quả là vai trò, vị trí cũng như sự đóng góp của công tác pháp chế nói chung và đội ngũ làm công tác pháp chế nói riêng chưa có được một vị trí xứng đáng với tính chất công việc của họ. Thực trạng này dẫn đến hiện tượng ở không ít doanh nghiệp "khi có tranh chấp mới nhớ đến đội ngũ pháp chế hoặc không dùng chất xám của cán bộ chuyên trách Việt Nam, khi cần thì lấy hẳn "hàng ngoại quốc".

Nên chăng, cần xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP để kiện toàn cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức pháp chế. Hiện nay, cũng chưa có VB nào quy định chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác pháp chế nên chưa kích thích lòng hăng say và nhiệt tình của cán bộ pháp chế. Cần sớm bù đắp lỗ hổng cơ chế này. Làm được như vậy, vừa góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, vừa bảo đảm đưa pháp luật vào thực thi trong cuộc sống.


Theo Sở Tư pháp Hà Nội, nhiều VB mà HĐND, UBND huyện Ba Vì viện dẫn để làm căn cứ pháp lý ban hành không phải là VB quy phạm pháp luật như: Chương trình số 02 của Thành ủy, Nghị quyết của BCH TƯ Khóa X, Kế hoạch của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), Kế hoạch của UBND huyện Ba Vì…
Đáng chú ý, nhiều VB được quận Hai Bà Trưng ban hành chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Chẳng hạn, việc quy định mức thu vé vào chợ theo khoảng từ 2.000 đồng/lượt - 5.000 đồng/lượt hoặc 3.000 đồng/lượt - 5.000 đồng/lượt tại các Quyết định 776, 778, 779, 780 có thể tạo kẽ hở, dẫn đến tình trạng thu vé vào chợ tùy tiện, không thống nhất.
Qua thực tiễn kiểm tra VB, Hà Nội cũng đã đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 40/2010/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý VB quy phạm pháp luật. Đồng thời, đề nghị Bộ tăng cường tổ chức các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ kiểm tra, rà soát VB cho đội ngũ cán bộ chuyên trách cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức pháp chế: Thiếu và yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.