Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải kết nạp Iran: Mở rộng tầm ảnh hưởng

Quỳnh Dương| 19/09/2021 06:42

(HNM) - Sau đúng 20 năm thành lập, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) có thêm một bước phát triển mới khi kết nạp thêm thành viên thứ 9 là Iran. Động thái này không chỉ củng cố lực lượng của liên minh an ninh lớn nhất lục địa Á - Âu mà còn giúp SCO mở rộng tầm ảnh hưởng trên bàn cờ địa chính trị thế giới.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (trái) và người đồng cấp Tajikistan Emomali Rakhmon tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO ngày 17-9.

Được thành lập từ năm 2001 với các thành viên ban đầu là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, mục đích chủ yếu của SCO là hợp tác về an ninh và quân sự. Trải qua 2 thập kỷ phát triển, nhất là khi kết nạp thêm Ấn Độ và Pakistan năm 2017, các lĩnh vực hợp tác trong liên minh này ngày càng được mở rộng. Có sự gia nhập của Iran, SCO nay chiếm tới hơn 43% dân số toàn cầu và 60% diện tích lãnh thổ của hai châu lục Á, Âu. Cùng những hiệp định hợp tác, SCO tạo ra một vành đai liên kết vững chắc trải dài từ Trung Á tới Nam Á và Trung Đông.

Theo cựu Thủ tướng Kyrgyzstan Djoomart Otorbaev, Iran được công nhận tư cách quan sát viên của SCO từ năm 2005 và có đề nghị trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này vào năm 2008. Tuy nhiên, do nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan tới chương trình hạt nhân nên các thành viên SCO tạm gác lại quá trình xem xét kết nạp Iran. Chỉ đến khi Tehran ký kết Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015 và Liên hợp quốc tuyên bố gỡ bỏ lệnh trừng phạt, lộ trình gia nhập SCO của Iran mới được nối lại. Sự gia nhập của quốc gia Hồi giáo này sẽ giúp nâng cao vai trò và tiếng nói của SCO tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là về vấn đề Trung Đông.

Theo báo The Diplomat, trong bối cảnh phải gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi lệnh trừng phạt và cấm vận của Mỹ, việc gia nhập SCO sẽ giúp Iran giải tỏa những áp lực thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các thành viên, nhất là những cường quốc như Trung Quốc, Nga. Hiện, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất và là đồng minh lâu đời của Iran. Kim ngạch thương mại một năm giữa hai nước đạt khoảng 20,7 tỷ USD, chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch của Iran. Các nhà phân tích cho rằng, Iran muốn có một thị trường bảo đảm cho dầu mỏ, còn Bắc Kinh muốn có sự bảo đảm an toàn cho các tàu chở dầu qua eo biển Hormuz. Ngoài ra, Iran cũng là một mắt xích quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Với Nga, Iran vốn có mối quan hệ hữu hảo nhiều năm qua. Hiện tại, Iran - Nga đang hoàn thiện Hành lang giao thông quốc tế Bắc - Nam. Đây là dự án dài 7.200km kết nối Ấn Độ Dương với vịnh Ba Tư qua Iran tới Nga rồi đến châu Âu để vận chuyển hàng hóa nhanh và tiết kiệm chi phí nhất.

Theo các nhà bình luận quốc tế, điểm chung giữa 3 thành viên của SCO Nga, Trung Quốc và Iran là đang phải chịu sức ép từ nhiều lệnh trừng phạt do Mỹ và một số nước phương Tây áp đặt. Sự hợp sức trên phương diện song phương, đa phương và trong khuôn khổ SCO có thể giúp 3 nước thoát khỏi thế cô lập, đồng thời tạo ra lợi thế để cạnh tranh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực này hiện đang là nơi diễn ra một “cuộc đua” thu hút các cường quốc và có thể khiến thay đổi cục diện địa chính trị thế giới trong thế kỷ này. Cách đây ít ngày, Mỹ, Anh và Australia đã công bố thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, có tên gọi AUKUS nhằm củng cố lực lượng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhiều nhận định cho rằng, trong thời gian tới, Trung Quốc và Nga - 2 trụ cột chính của SCO - cùng với “tân binh” Iran sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác của liên minh nhằm hình thành một “cực” đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như các trục liên kết quân sự mới hình thành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải kết nạp Iran: Mở rộng tầm ảnh hưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.