(HNM) - Ngày 3-10, Thành ủy Hà Nội chính thức ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU "Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội". Chỉ thị ra đời nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về việc tổ chức cưới theo nếp sống văn minh, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.
Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Tuy nhiên để Chỉ thị 11-CT/TU thực sự đi vào cuộc sống rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên; trong đó vai trò tuyên truyền vận động, giám sát thực hiện của các cấp MTTQ là rất quan trọng. Đây cũng là chủ đề chính cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Hànộimới và ông Đào Văn Bình, Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội.
Việc cưới phải trở thành nét đẹp văn hóa của Thủ đô
- Đây là giai đoạn cả nước đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Việc Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 11-CT/TU vào thời điểm này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Thực tế là thời gian qua trên địa bàn thành phố vẫn có nhiều đám cưới được tổ chức linh đình, xa hoa, lãng phí, thậm chí có biểu hiện “thương mại hóa”, lợi dụng việc cưới để vụ lợi. Trong số đó có đám cưới của không ít gia đình cán bộ, đảng viên; đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đảng. Thực trạng này gây nên sự bức xúc trong dư luận xã hội. Việc ban hành Chỉ thị 11-CT/TU là nhằm tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27-CT/TƯ ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; Đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; Đồng thời là việc làm thiết thực, cụ thể thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Ông Đào Văn Bình. Ảnh: Nguyệt Ánh |
- Cán bộ, đảng viên mà tổ chức cưới hỏi mang màu sắc thương mại, vụ lợi thì không thể chấp nhận được. Vì vậy người dân bức xúc cũng là đương nhiên.
- Do đó, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới chính là đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Hôn lễ, đám cưới là việc vui của mỗi gia đình, tổ chức tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình. Nhưng cách thức thực hiện việc riêng tư ấy của không ít người đang trở thành một vấn đề “nóng” của xã hội. Và khi nét đẹp văn hóa này đang bị mai một, biến tướng và bị lạm dụng thì chúng ta cần phải điều chỉnh.
Điều quan trọng là quy định cụ thể về định lượng
- Thưa ông, không phải tới bây giờ Hà Nội mới đẩy mạnh việc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Hà Nội đã hướng dẫn, vận động thực hiện vấn đề này từ nhiều năm... Tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn...
- Nhiều năm qua, các cấp MTTQ thành phố Hà Nội đã luôn gắn nội dung này với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Tại nhiều địa phương, MTTQ đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể thực hiện khá tốt việc vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tổ chức cưới trang trọng, lịch sự, tiết kiệm, lành mạnh. UBND thành phố cũng đã có quyết định ban hành kèm theo quy định với 29 điều về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội...
Tại quận Hà Đông, quận đã có Chương trình 06-CTr/QU quy định và hướng dẫn cụ thể về việc này. Từ đó, các phường, xã trên địa bàn ban hành nghị quyết chuyên đề, yêu cầu đảng viên cam kết thực hiện, thống nhất khi gia đình đảng viên có việc cưới phải tổ chức tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh, không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ. Đám cưới chỉ diễn ra trong một ngày, không mời tràn lan, làm không quá 40 mâm cỗ, không hút thuốc lá, không chơi cờ bạc, không mở loa đài công suất lớn trước 5 giờ sáng và sau 22 giờ đêm… Ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể một mặt xuống từng hộ dân vận động, yêu cầu cam kết thực hiện, một mặt tăng cường kiểm tra giám sát. Với cách làm đó, 85% số đám cưới trên địa bàn quận Hà Đông được tổ chức văn minh, tiết kiệm. Chúng tôi đang chủ trương nhân rộng mô hình này.
- Mới chỉ có một “điểm sáng” là quận Hà Đông. Nói cách khác, hiệu quả của việc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Hà Nội là chưa cao. Vậy đâu là nguyên nhân?
- Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một phần do chỉ thị, quy định được ban hành trước đây chưa được cụ thể hóa. Nói là tổ chức cưới phải lành mạnh, tiết kiệm, nhưng thế nào được coi là tiết kiệm, là lành mạnh, thế nào là cưới... to thì vẫn còn chưa rõ. Trong khi đó, chúng ta chưa kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, nếu không nói là vi phạm quy định; đồng thời chưa tạo được dư luận mạnh mẽ phê phán những biểu hiện tiêu cực trong tổ chức việc cưới. Đây chính là cái khó đối với MTTQ khi vận động, giám sát việc thực hiện. Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng, nếu chỉ có quy định chung chung, mà không có cụ thể thì khó có chuẩn để đánh giá gia đình này cưới to, gia đình kia cưới văn minh, tiết kiệm...
Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu
- Những vấn đề ông vừa nêu, trong Chỉ thị 11-CT/TU đều đã được cụ thể hóa. Ví dụ khách mời không quá 300 người, nếu hai gia đình tổ chức chung thì con số đó là gấp đôi, không làm tiệc cưới nhiều lần, không tổ chức cưới ở khách sạn 5 sao hay các khu du lịch cao cấp... Tuy nhiên nhiều người cho rằng, chỉ thị này mới chỉ tập trung vào đối tượng cán bộ, đảng viên?
- Lâu nay người ta vẫn quan niệm, trong đời thường chỉ một lần làm đám cưới, ai cũng muốn lễ cưới được tổ chức sang trọng, chu đáo, cho “bằng chị bằng em”. Vậy nên, nhà giàu đã đành, nhà nghèo cũng cố gắng vay mượn để lo đám cưới cho tươm tất, dù sau đó phải “kéo cày trả nợ”. Hơn thế, không ít người còn nặng tư tưởng “ma chê cưới trách”. Để thay đổi nhận thức, nếp nghĩ xưa cũ đó không hề đơn giản. Hà Nội hiện có hơn 34 vạn đảng viên. Trước việc khó, nếu cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện thì sẽ phát huy được đúng tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
- Thưa ông, Hà Nội còn có một số lượng lớn cán bộ, đảng viên của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Vậy đây có là đối tượng của Chỉ thị 11-CT/TU?
- Các cụ xưa đã dạy “nhập gia tùy tục”. Tôi nghĩ, sự hợp lý, hợp tình, phù hợp với hoàn cảnh chung sẽ tạo được sự đồng thuận và sức thuyết phục. Bên cạnh đó, theo Quy định 76 của Bộ Chính trị, đảng viên phải tham gia sinh hoạt Đảng hai chiều (ở đơn vị, cơ quan công tác và tại địa phương mà đảng viên sinh sống), thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU chính là gương mẫu chấp hành pháp luật, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú. Trong mọi công việc, đảng viên luôn phải phát huy tiên phong đi đầu, thậm chí là hy sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng, vì xã hội, mà cụ thể ở đây là để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Nếu mọi đảng viên đều thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 11-CT/TU thì chắc chắn sẽ tạo được sức lan tỏa lớn từ trong Đảng đến các tầng lớp nhân dân.
Ba nội dung cơ bản triển khai thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU
- Theo tinh thần Chỉ thị 11-CT/TU, Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội TP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tự nguyện, tích cực hưởng ứng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới. Vậy MTTQ các cấp sẽ triển khai công tác này như thế nào?
- Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai chỉ thị này trong đó có ba nội dung cơ bản là: Thứ nhất, tuyên truyền trong hệ thống Mặt trận, các tổ chức thành viên, các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Thứ hai, thống nhất cùng các thành viên Mặt trận vận động nhân dân thực hiện và đề nghị Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa của thành phố đưa tiêu chuẩn cưới tiết kiệm, văn minh vào bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa ở khu dân cư. Thứ ba, MTTQ sẽ chú trọng triển khai công tác giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện việc cưới theo Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội.
- Cụ thể, việc giám sát cán bộ, đảng viên sẽ được thực hiện như thế nào để tránh rơi vào tình trạng các văn bản chỉ có hiệu lực trên giấy mà khó đi vào đời sống xã hội?
- Thời gian qua MTTQ đã thí điểm thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư và đạt kết quả bước đầu. Tới đây, căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương về giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư sẽ có nhận xét, đánh giá về cán bộ, đảng viên và gia đình chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của thành phố, trong đó có việc thực hiện cưới văn minh theo Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội. Như tôi đã nêu ở trên, khi có những quy định cụ thể về định lượng thì cơ sở rất dễ nhận xét, đánh giá. Những vi phạm sẽ được kiến nghị cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp kiểm điểm, xử lý theo quy định.
- Với cán bộ, đảng viên, trong Chỉ thị 11-CT/TU đã có “khung” để xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên với người dân thì MTTQ sẽ vận động như thế nào để bà con thực hiện tốt nếp sống văn minh theo tinh thần của Chỉ thị 11-CT/TU?
- Như tôi vừa nói, MTTQ đã đề nghị đưa tiêu chuẩn cưới tiết kiệm, văn minh theo tinh thần Chỉ thị 11-CT/TU làm tiêu chí bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa ở khu dân cư. Tiêu chí này sẽ được phổ biến tới từng gia đình để người dân nhận thức đúng vấn đề và tự giác thực hiện. Như vậy sẽ góp phần nâng cao chất lượng danh hiệu Gia đình văn hóa nói riêng và chủ trương thực hiện nếp sống văn minh nói chung. Tôi tin rằng đây cũng là một động lực thúc đẩy việc thực hiện trong nhân dân có hiệu quả.
- Nhưng trên thực tế đã có những suy nghĩ cho rằng, đời người chỉ cưới một lần, nếu vi phạm quy định rồi bị mất danh hiệu Gia đình văn hóa một năm cũng không sao. Ông nghĩ sao về điều này?
- Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên ở đây tôi xin nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động cũng như sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Khi đã có chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế, cách thức tổ chức triển khai bài bản; thực hiện chặt chẽ công tác giám sát; những vi phạm được xử lý nghiêm túc, chắc chắn chỉ thị sẽ đi vào đời sống xã hội và dần dần trở thành nền nếp.
- Đúng là như vậy, song ý thức tự giác thực hiện của mỗi cán bộ, đảng viên, của mỗi người dân mới là điều quan trọng nhất.
- Tất cả công việc của chúng tôi cũng là hướng tới mục đích để mọi công dân Thủ đô nhận thấy sự cần thiết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, để đám cưới không còn là đám... lo của cả chủ và khách, để ngày vui của từng cá nhân, gia đình trở thành nét văn hóa đặc sắc của người Tràng An. Có như vậy mới tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội.
- Cảm ơn ông về những vấn đề trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.