(HNM) - Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), muỗi Aedes aegypti là thủ phạm (vector chính) truyền vi rút gây bệnh sốt xuất huyết. Loại muỗi này còn gọi là muỗi “quý tộc”, muỗi “nhà vua” hoặc muỗi vằn, có khả năng sinh sản cao.
Khi đẻ trứng, muỗi vằn thường chọn đẻ nơi nước sạch, chúng không đẻ nơi ao tù, nước thải cống hôi thối như nhiều người dân thường nghĩ. Do không hiểu hết về những đặc tính trên của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nên nhiều hộ gia đình chủ quan, không dọn dẹp, vệ sinh thường xuyên mọi vật dụng có thể chứa trứng muỗi, bọ gậy (loăng quăng), bao gồm cả dụng cụ chứa nước trong, như lọ hoa chứa nước lâu ngày trên bàn thờ; chậu hoa cây cảnh chứa nước, bể chứa nước mưa…, đặc biệt là các dụng cụ phế thải xung quanh nhà có khả năng chứa nước mưa trong (vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ, mảnh gáo dừa, lốp xe, chum vại…). Điều đó lý giải vì sao, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) tại một số nơi cao vượt ngưỡng.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, kết quả giám sát điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết trong 3 tuần gần đây (từ ngày 21-10 đến 11-11) cho thấy, ổ dịch sốt xuất huyết tại thôn 7, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ có chỉ số BI=50; ổ dịch thôn Thao Nội, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên chỉ số BI=55; ổ dịch thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh chỉ số BI=35... Trong khi nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 30 trở lên, có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát. Riêng tại khu vực miền Bắc thì chỉ số BI này quy định là từ 20 trở lên.
Theo CDC Hà Nội, hoạt động chống dịch tiếp tục tập trung giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ. Đặc biệt, triển khai ngay các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.