(HNNN) - Dù có lúc thăng lúc trầm nhưng xuyên suốt 64 năm qua, Báo Hànộimới luôn mang đến cho bạn đọc gần xa sự tin cậy và khơi dậy lòng yêu thành phố ngàn năm văn hiến trong mỗi người.
1. Trước năm 1975, ở miền Bắc chỉ có 3 tờ nhật báo là Nhân Dân, Quân đội nhân dân và Hànộimới. Đối tượng bạn đọc có thể khác nhau nhưng cả ba cơ quan báo đều có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền, cổ vũ nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, kiến thiết đất nước, đấu tranh với kẻ thù để thống nhất nước nhà. Hànộimới là tờ báo địa phương, nhưng với vị thế cơ quan ngôn luận của Thủ đô nên có những nét đặc thù.
Định hướng lớn là thế, nhưng Hànộimới không quên thông tin đời thường mà bạn đọc cần. Hànộimới là tờ báo duy nhất có quảng cáo rao vặt như sửa đồng hồ, dạy đánh máy chữ, văn hóa phẩm mới; phim, vở diễn sân khấu mới... Điều thú vị nữa: Hànộimới cũng là tờ báo duy nhất đăng thông báo Thành phố sẽ bán độn bao nhiêu phần trăm mỳ sợi, ô nào trong phiếu thực phẩm bán thịt, đậu phụ, nước mắm... Đó là những thông tin vô cùng cần thiết với đời sống người dân thời chiến tranh, bao cấp. Chỉ có 4 trang in đen trắng trên loại giấy “màu bánh đa” nhưng báo phản ánh đầy đủ các sự kiện chính trị, hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra trên đất Thủ đô. Một trong chuyên mục đặc sắc của Hànộimới chính là “Mỗi ngày một chuyện”. Chuyện tuy nhỏ nhưng đôi khi chuyển tải vấn đề lớn qua câu chữ hóm hỉnh với cái kết vô cùng độc đáo bằng những câu thơ nhẹ nhàng mà thấm thía. Một mục nữa, giờ chắc rất ít người còn nhớ, là tranh vui phê bình, dù diện tích chỉ bằng bao diêm nhưng trực diện phê phán thói hư tật xấu bằng nét vẽ ngộ nghĩnh.
2. Báo chí của bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có dấu ấn chính trị, chỉ là ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp. Khi đất nước thực hiện đổi mới sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Báo Hànộimới đã có bước chuyển mình qua nhiều bài viết ủng hộ tư duy và cổ vũ đổi mới. Năm 1989, Hànộimới đã có bài phản ánh các vấn đề đô thị. Tôi nhớ là có bài về ùn tắc giao thông ở phố Nguyễn Khuyến, Khâm Thiên, trong bài còn có ý kiến về quy hoạch giao thông Thủ đô của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Bùi Danh Lưu. Lại có bài đặt vấn đề về cuộc sống khó khăn của người lao động sau khi nghỉ hưu “một cục” theo Quyết định 176. Tôi cũng nhớ có bài của nhà văn Tô Hoài cảnh báo về sự xuống cấp trong giao tiếp ứng xử, những bài tự “cởi trói” thể hiện sự thay đổi lớn trong nhận thức: Cuộc sống không chỉ có màu hồng...
Thay đổi quan trọng của Báo Hànộimới trong những năm đó là xuất bản ấn phẩm phụ Hànộimới Chủ nhật. Ấn phẩm được thiết kế theo hướng không có tin, chỉ có bài với đề tài phong phú và không bó hẹp trong phạm vi thành phố. Các bài viết có hàm lượng chất xám với quan niệm cởi mở. Linh hồn thời kỳ đầu của ấn phẩm này là cố nhà báo, dịch giả Dương Linh, khi đó ông là Phó Tổng Biên tập trực tiếp phụ trách ấn phẩm này. Ông là trí thức Tây học tham gia kháng chiến. Hơn 30 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ những bài viết “Tâm lý gà công nghiệp”, “Cô hàng xén” của Tiến sĩ tâm lý Đức Uy luận bàn về đổi mới. Thời bao cấp, Nhà nước lo tất cả khiến doanh nghiệp, con người như con gà công nghiệp bị nhốt trong chuồng; khi xóa bỏ bao cấp, con gà công nghiệp này được thả ra khỏi chuồng, chân chạm đất nhưng bước đi tập tễnh, cần thời gian để bước chân được vững vàng.
Trước Đổi mới, một số báo có bài viết chống tham nhũng, tiêu cực. Họ viết và cho đăng vì mệnh lệnh đạo đức, vì đáp ứng mong mỏi của bạn đọc, cũng vì trách nhiệm xã hội của báo chí. Nhưng một số báo dè dặt, một số khác nghe ngóng. Trong nghề báo có câu “Báo là của Tổng Biên tập”. Tổng Biên tập phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản và họ có quyền cho đăng hoặc không. Tuy nhiên, nhiều báo im lặng vì chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực chưa được cụ thể hóa trong nghị quyết. Nhưng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996), vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực đã được đưa vào Nghị quyết của Đại hội. Nghị quyết là kim chỉ nam cho các báo.
Năm 1997, nhóm phóng viên Hànộimới Chủ nhật nhận được tài liệu liên quan đến sai phạm của Việt Nam Airlines trong việc mua 2 chiếc máy bay Forker. Nhiệm vụ của chúng tôi là xác minh tài liệu. Kiểm tra qua nhiều nguồn khác nhau, chúng tôi tin đó là tài liệu có thể tin được. Việc viết bài không khó nhưng chúng tôi chưa biết quan điểm của Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn thế nào. Sau khi thăm dò, ông Sơn có vẻ xuôi xuôi với một điều kiện tiên quyết là tài liệu đó phải chính xác. Rồi bài 1 được đăng, bài 2 đăng và sự việc dần phức tạp, trở thành sự kiện lớn trong xã hội khi đó. Thời điểm đó, dù có nghị quyết nhưng có vấn đề lại chưa được luật hóa, hoặc có song phạm vi điều chỉnh không rộng, vì thế, chúng tôi bị cho là vi phạm Pháp lệnh Bảo mật. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Thực tế khi đó cho thấy, nếu cố Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn không cho đăng thì cũng chẳng ai phê bình ông. Việc báo cho đăng nhiều bài chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm tăng uy tín của tờ báo với bạn đọc nhưng lại bất lợi cho cá nhân Tổng Biên tập nếu bài báo có sai sót. Cá nhân tôi rất khâm phục tư cách nhà báo của ông Hồ Xuân Sơn, ông là người dũng cảm.
3. Tôi làm ở Hànộimới gần 30 năm, cũng từng ấy năm phải đọc nhiều báo, đủ để rút ra một điều, Hànộimới tuy là báo địa phương nhưng có vị trí quan trọng trong làng báo. Một năm xuất bản ngót 500 số báo, qua các thời kỳ đều đều trên các ấn phẩm của Hànộimới luôn có bài “đọc được” với ngôn ngữ báo chí pha văn chương cuốn hút, điều đã làm nên bản sắc Hànộimới. Báo khi đó rất mạnh về các bài điều tra, phóng sự, ký dài kỳ. Loạt bài điều tra “Nghiên cứu các viện nghiên cứu” chỉ ra nhiều bất cập ẩn giấu trong những điều quen thuộc. Hàng nghìn người có học hàm học vị được đào tạo ở nước ngoài hay trong nước, hoàn thành rất nhiều công trình lớn nhỏ nhưng không ít trong số đó “bị cho vào ngăn kéo” vì không có tính thực tế. Cơ chế đã biến một số nhà nghiên cứu khoa học thành một công chức “sáng vác ô đi chiều cắp ô về” nên đam mê cống hiến cứ lụi dần. Đó là nguyên nhân dẫn đến chảy máu chất xám...
Không chỉ có các bài điều tra, Hànộimới còn có nhiều bài phóng sự lay động bạn đọc. Đó là các bài dài kỳ về huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, đường Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt là các bài viết về bảo vệ biển đảo Việt Nam. Ngày 2-5-2014, khi phía Trung Quốc mang giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Hoàng Sa một cách trái phép, báo đã cử phóng viên theo tàu cá của ta ra thực địa, lênh đênh trên sóng biển Hoàng Sa hàng tuần lễ, để rồi khi về bờ đã có nhiều bài viết xúc động. Những bài viết đó đã làm cho bạn đọc gắn bó hơn với Hànộimới.
Ngày nay, công nghệ đã khiến báo chí thay đổi, lớp bạn đọc mới cũng làm báo chí thay đổi. Nhưng có một thứ tôi thấy Hànộimới không thay đổi, đó là độ tin cậy của thông tin, là góc nhìn chững chạc. Và, đến thời điểm hiện tại, tôi nghĩ Hànộimới vẫn giành được tình cảm của bạn đọc Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.