Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tít mù…vòng quanh

Người Quản Lý| 03/12/2011 07:09

(HNM) - Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII đã bế mạc, nhưng tới giờ này, cử tri cả nước vẫn không hiểu thực chất kết quả kinh doanh của "ông lớn" Petrolimex là lỗ hay lãi?

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính công bố các năm 2008, 2009, 2010 Petrolimex đều có lãi. Cụ thể, với kinh doanh xăng dầu, năm 2008 lãi 642 tỷ đồng, năm 2009 lãi 2.660 tỷ đồng, năm 2010 dù lỗ 172 tỷ đồng, nhưng các hoạt động khác lãi 376 tỷ đồng nên tổng hợp chung, lãi 81 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2011, lỗ 1.840 tỷ đồng. Tuy nhiên ngay sau đó, Bộ trưởng Công thương lại cho biết, trong 3 năm từ 2008 đến hết 2010, tính tổng thể Petrolimex có lãi, nhưng riêng kinh doanh xăng dầu lại bị lỗ và "do DN này không giải thích cặn kẽ, chi tiết nên đã khiến dư luận hiểu nhầm rằng kinh doanh xăng dầu có lãi".

Dù rằng ý kiến của hai bộ trưởng có chỗ trái ngược nhau, nhưng có một điểm chung, đó là chỉ tính tới thời điểm hết tháng 6-2011. Nhưng, cuối tháng 9-2011, tại hội thảo về cơ chế kinh doanh xăng dầu do Bộ Tài chính tổ chức, lãnh đạo Petrolimex báo cáo, từ năm 2006 đến nay mỗi năm DN lỗ hàng trăm tỷ đồng. Đỉnh điểm là năm 2008 lỗ tới 10.700 tỷ đồng. Còn năm 2011, ước tính 9 tháng lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng... Cũng tại hội thảo này, có ý kiến dẫn chứng, trong báo cáo tài chính chuẩn bị cho việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), Petrolimex lại thông báo lãi hơn 913 tỷ đồng năm 2008, năm 2009 lãi tiếp 2.880 tỷ đồng, năm 2010 lãi 81 tỷ đồng...

Dù khá nhiều con số, nhưng điều dễ thấy là sự nhập nhằng chuyện lỗ - lãi trong kinh doanh xăng dầu của Petrolimex. Và để ổn định hoạt động này, Nhà nước đã từng phải bù lỗ không ít tiền. Một câu hỏi đặt ra, nếu lãi thì tại sao Nhà nước lại phải bù lỗ và nếu lỗ thì tại sao DN lại báo cáo lãi khi chuẩn bị phát hành cổ phiếu ra công chúng? Chắc chắn chỉ có một sự thật duy nhất và trách nhiệm của các cơ quan quản lý là phải làm rõ điều đó.

Ngay khi kỳ họp Quốc hội kết thúc, nhiều đại biểu cho biết vẫn đang chờ thông tin từ các cơ quan quản lý để có thể công bố cho cử tri cả nước biết rõ thực chất hiện nay việc kinh doanh xăng dầu là lỗ hay lãi, bởi vấn đề điều hành giá mặt hàng này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội và có ảnh hưởng quan trọng tới đời sống dân sinh cũng như sự phát triển kinh tế của đất nước.

Câu trả lời cuối cùng tới thời điểm này vẫn chưa có. Vậy việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đã hội tụ đủ các yếu tố công khai - minh bạch như chỉ đạo của Chính phủ hay chưa? Đó là trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý để đưa ra một kết luận chuẩn xác, tránh tình trạng cùng một chuyện mà thông tin tít mù… vòng quanh như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tít mù…vòng quanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.