Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình trạng quá tải tại các bến xe: Luẩn quẩn bài toán quy hoạch

Tuấn Lương| 08/07/2013 06:08

(HNM) - Sự lộn xộn, quá tải tại BX này thời gian qua có những nguyên nhân như: Đô thị hóa quá nhanh, dịch chuyển dân số tới khu vực mới phát triển...



Sự lộn xộn, quá tải tại BX này thời gian qua có những nguyên nhân như: Đô thị hóa quá nhanh, dịch chuyển dân số tới khu vực mới phát triển; bất cập về cơ chế quản lý; sự chậm trễ trong việc lập quy hoạch và triển khai xây dựng các BX mới. Đây chính là bài học kinh nghiệm để Hà Nội quản lý mạng lưới BX và hoạt động vận tải khách liên tỉnh được tốt hơn…

Bình quân mỗi ngày Bến xe Mỹ Đình có gần 1.000 lượt xe xuất bến, gây nên sự quá tải trầm trọng. Ảnh: Như Ý


Bất cập về cơ chế quản lý

Việc BX Mỹ Đình lộn xộn và quá tải đã diễn ra từ lâu, trở thành một trong những điểm nóng gây bức xúc trong dư luận. Mọi chuyện càng trở nên "nóng" hơn khi Sở GTVT Hà Nội rục rịch triển khai kế hoạch điều chỉnh, sắp xếp lại hoạt động của hơn 300 lượt xe khách liên tỉnh về các BX khác trên địa bàn thành phố (TP). Kế hoạch này vấp phải sự phản đối của nhiều đơn vị vận tải.

Giải thích về nguyên nhân quá tải, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: BX Mỹ Đình đi vào hoạt động từ năm 2004 với diện tích khoảng 1,98ha, công suất thiết kế đáp ứng khoảng 300 lượt xe/ngày. Những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu đô thị, chung cư cao tầng mọc lên tại khu vực Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy… với tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh khiến cho nhu cầu đi lại tăng cao. Sau gần 10 năm đưa vào khai thác, bến bị quá tải trầm trọng, bình quân mỗi ngày có từ 920 đến 950 lượt xe xuất bến. Ngày cao điểm dịp lễ, tết là 1.233 lượt xe/ngày, gấp 4 lần công suất thiết kế.

Trong văn bản số 110A/BC-UBND báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND TP cho biết: Theo quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn đến năm 2020, BX Mỹ Đình quy mô 3,5ha được triển khai xây dựng nhằm di chuyển BX Kim Mã và một phần hỗ trợ cho BX Gia Lâm, Giáp Bát. Tuy nhiên, hiện nay bến chỉ đạt 1,98ha nên không đáp ứng được nhu cầu đi lại tăng nhanh của hành khách dẫn đến tình trạng quá tải. Tình trạng quá tải còn có nguyên nhân từ việc cấp phép cho các tuyến xe hoạt động. Theo Quyết định 16/2007/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, Sở GTVT các tỉnh, TP khác được chấp thuận khai thác tuyến cố định, bổ sung xe vào tuyến cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn mà không cần hiệp thương của Sở GTVT Hà Nội. Từ văn bản này, nhiều DN vận tải đã vào bến Mỹ Đình, đưa số lượng xe hoạt động tại đây lên hơn 1.000 xe/ngày. Trước tình thế này, tháng 10-2009 (khi BX Yên Nghĩa-Hà Đông được đưa vào khai thác), Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT địa phương về việc tạm thời không bổ sung mới, đăng ký mới phương tiện vào BX Mỹ Đình. Song đến tháng 9-2010, Bộ GTVT mới quy định việc chấp thuận mở tuyến, công bố tuyến, ngừng hoạt động tuyến và phương tiện vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định vào BX Mỹ Đình thuộc thẩm quyền của Sở GTVT Hà Nội.

Sự lộn xộn, quá tải ở Bến xe Mỹ Đình đã trở thành điểm nóng, gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: Lê Tuấn


Khẩn trương điều chỉnh luồng, đầu tư xây dựng bến mới

Theo UBND TP Hà Nội, với BX Mỹ Đình, Sở GTVT Hà Nội chưa thường xuyên rà soát biểu đồ, tần suất chạy xe của các đơn vị để điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của bến. Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của bến chưa quyết liệt, thường xuyên. Công ty Quản lý BX Hà Nội, đơn vị trực tiếp khai thác bến buông lỏng quản lý trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng bến hoạt động lộn xộn, nhếch nhác.

Nhiều chuyên gia giao thông nhấn mạnh, không chỉ BX Mỹ Đình mà nhiều bến khác như Giáp Bát, Gia Lâm cũng đang bị quá tải. Điều này có nguyên nhân chủ yếu từ nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong khi quá chậm trễ đầu tư mở rộng, xây dựng mới các BX và bến Mỹ Đình là một ví dụ điển hình.

Theo Quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn đến năm 2020 (ban hành năm 2003), đến năm 2020, tổng diện tích các BX của Hà Nội vào khoảng 28ha nhưng hiện mới đạt 15,9ha trong khi tổng dân số đã vượt cao so với dự báo của năm 2003. Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, cấp thiết phải triển khai sớm việc đầu tư xây dựng các BX mới; cải tạo, mở rộng các bến hiện có nếu phù hợp với quy hoạch. Trước mắt, chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của các BX cũng như vận tải hành khách liên tỉnh; sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến một cách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của DN cũng như thuận lợi cho việc đi lại của hành khách.

Từ đầu tháng 6-2013, TP đã chỉ đạo Sở GTVT kiểm tra công tác quản lý tại BX Mỹ Đình; phối hợp công an giải tỏa dứt điểm BX "dù" phía sau bến này, tập trung xử lý xe khách chạy vòng vo, chạy sai lộ trình... Tổng Công ty Vận tải Hà Nội kiểm tra chặt chẽ xe ra vào bến, giải tỏa hàng quán; phối hợp công an và chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự tại bến. Một tháng qua, BX Mỹ Đình đã cơ bản hết lộn xộn. Về việc điều chỉnh luồng tuyến, Sở GTVT Hà Nội đang tổ chức điều chuyển hơn 300 lượt xe từ Mỹ Ðình về các bến khác, đồng thời, tiếp nhận 77 lượt xe đi các tỉnh phía Bắc từ các bến khác về Mỹ Ðình để tránh chồng chéo.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đẩy nhanh tiến độ mở rộng BX Mỹ Ðình theo đúng quy hoạch. Sở GTVT phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội rà soát quỹ đất các dự án bất động sản chưa đầu tư, vận động, khuyến khích chủ đầu tư xây dựng bến xe tạm để giải quyết nhu cầu BX. Rà soát quy hoạch, bổ sung thêm BX mới ở khu vực ngoài vành đai 3, vành đai 4, bảo đảm phù hợp quy hoạch, thuận tiện việc đi lại của người dân…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tình trạng quá tải tại các bến xe: Luẩn quẩn bài toán quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.