(HNM) - Tình hình hiện tại và dự báo của các cơ quan chức năng cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng (BĐKH NBD). Nước biển dâng cao, lũ lụt biến động khó lường; bão nhiều và mạnh hơn; hạn hán nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, tố lốc... xuất hiện ngày càng nguy hiểm. Những mối đe dọa này đã làm "nóng" buổi hội thảo báo cáo về Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH NBD do Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 11-6.
Các công trình thủy lợi đóng góp rất lớn trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia. |
BĐKH NBD tác động khôn lường
Công trình nghiên cứu của Viện Thủy lợi và Môi trường (Trường Đại học Thủy lợi) công bố tại hội thảo cho biết, ĐBSCL có diện tích 39.400km2, là vùng thấp, nằm cạnh 2 vùng biển (biển Đông và vịnh Thái Lan) với hai chế độ thủy triều khác nhau cùng hệ thống kênh rạch dày đặc nên có chế độ thủy văn, thủy lực cực kỳ phức tạp. Bên cạnh đó, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, trong 50 năm qua, mực nước biển ở ĐBSCL đã tăng 12cm. Một nguy cơ khác là khu vực này có 3 loại yếu tố: yếu tố hiện đại phát triển đầy đủ gồm phần lớn diện tích; yếu tố di lưu gồm vùng trũng, đất phèn, than bùn; yếu tố tiến triển gồm bờ biển, cửa sông, lòng sông, cồn bãi. Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố hiện đại có thể chịu đựng bền vững, lâu dài, tuy nhiên yếu tố di lưu và tiến triển sẽ rất mẫn cảm với những thay đổi, đặc biệt là BĐKH NBD.
Đáng nói, 90% diện tích ĐBSCL là đất thủy thành (đất hình thành trong điều kiện có nước) và gần như phần lớn các dạng địa mạo cũng được hình thành do tác động của dòng chảy, từ đó dễ dàng nhận thấy mối quan hệ ràng buộc giữa địa mạo, đất và nước, khi một trong các yếu tố đó thay đổi sẽ kéo theo những thay đổi khác. Theo Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường, nếu mực nước biển dâng 1m, 24,7% diện tích đất tự nhiên của Cần Thơ bị ngập, tương đương 758km2; nặng nề nhất trong khu vực là tỉnh Bến Tre, có đến 50,1% diện tích đất bị chìm, tương đương 1.131km2. Giáo sư Comelis Pieter Veerman, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Châu thổ Hà Lan cho rằng, nếu nước biển dâng 1m, ĐBSCL sẽ gần giống và cũng gánh chịu hậu quả như đất nước Hà Lan. Các nhà khoa học Hà Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ ĐBSCL trong ứng phó với BĐKH NBD.
Ứng phó bằng cách nào?
Theo đánh giá của Viện Thủy lợi và Môi trường, khi BĐKH NBD xảy ra thì vấn đề thoát lũ trở nên khó khăn hơn đối với vùng Đồng Tháp Mười. Theo kịch bản đến năm 2100 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì hệ thống công trình kiểm soát lũ theo Quyết định 144/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn có thể phát huy hiệu quả nếu được hoàn chỉnh và nâng cấp nhỏ. Vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên phải hoàn thiện các công trình đê, bảo đảm kiểm soát lũ từng phần; tận dụng tối đa hệ thống công trình giao thông hiện có như quốc lộ 91 và các công trình thủy lợi đã đầu tư. Trong tương lai, mặn sẽ xâm nhập sâu vào đồng, vì vậy cần nghiên cứu lấy ngọt cho các hệ thống ngọt hóa như Nam Mang Thít, Bắc Bến Tre, Quản Lộ - Phụng Hiệp từ sâu phía thượng nguồn, hoặc nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Ở bán đảo Cà Mau, chuyển nước từ sông Hậu thông qua kênh từ Ô Môn trở lên, ngăn sông Cái Lớn - Cái Bé; lợi dụng thế triều cao đưa nước vào vùng bán đảo Cà Mau và kênh rạch, ô ruộng...
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý có chung nhận định, quy hoạch thủy lợi ĐBSCL là vấn đề hệ trọng, có tác động rất lớn đến tình hình KT-XH, nhất là vấn đề an ninh lương thực của vùng và cả nước. Đặc biệt, trong điều kiện BĐKH NBD thì vấn đề này càng cấp bách, phải được tính toán căn cơ, toàn diện và bền vững để đạt hiệu quả cao nhất. Trong quá trình xây dựng các giải pháp phát triển thủy lợi ĐBSCL, Tổng cục Thủy lợi cho rằng, bảo đảm an ninh dòng chảy kiệt là vấn đề mang tính chiến lược, vì thế các giải pháp nhằm gia tăng, tích trữ, ổn định nước ngọt trong mùa khô sẽ được xem xét ưu tiên. Thêm nữa, các công trình thủy lợi được nghiên cứu ở 2 dạng công trình là bê tông và đất, phù hợp với từng giai đoạn, tầm nhìn chung.
Theo quy hoạch nêu ra tại hội thảo, ĐBSCL chia thành 5 vùng thủy lợi (Đông Vàm Cỏ Đông; Tả sông Tiền; Tứ giác Long Xuyên; giữa sông Tiền - sông Hậu và bán đảo Cà Mau), bao gồm 23 tiểu vùng và 119 khu dự án. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch cho rằng, quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL là một quy hoạch nền tảng mà không cần phải đợi quy hoạch khác. Theo đó, quy hoạch thủy lợi hoàn chỉnh cho khu vực này phải là hệ thống đa mục tiêu, phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Quy hoạch phải dựa trên nền tảng thống nhất và hài hòa giữa mùa lũ và mùa kiệt, nước ngọt và nước mặn. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học, quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL nhằm "soi" lại những công trình thủy lợi hiện nay và những công trình dự định xây dựng trong tương lai để có sự đối chiếu, so sánh kỹ lưỡng, trên cơ sở đó tìm giải pháp phù hợp nhất đối phó với BĐKH NBD.
Vai trò quan trọng trong an ninh lương thực quốc gia |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.