Chính trị

Tinh thần "dám" của người Việt

PGS.TS Bùi Đình Phong 11/02/2024 - 15:51

“Dám” biểu hiện trong suy nghĩ và hành động, lời nói và việc làm, ở tinh thần trách nhiệm, tính nêu gương, tinh thần đột phá, tiên phong. “Dám” đôi khi được hiểu đồng nghĩa với bản lĩnh, dũng khí, gan dạ.

dai-hoi-xiii-cua-dang-la-su.jpg

Trải qua hơn 1.000 năm dưới ách thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc, nhờ dám đánh, biết đánh, biết thắng, cuối cùng chúng ta đã chiến thắng, mở ra một thời kỳ độc lập thực sự của dân tộc. Một Đại Việt hiên ngang trong tư thế tự chủ, tự cường, tự lập với nhiều tấm gương như Trần Thủ Độ với câu nói nổi tiếng: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!”. Một Trần Quốc Tuấn dám xin vua “chém đầu thần” để giữ vững chủ quyền đất nước. Một Trần Bình Trọng khảng khái trả lời giặc: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc!”...

Lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là lịch sử của dòng chảy giá trị tinh thần dám xả thân vì nước, vì nhà. Đến thời cận - hiện đại, tinh thần đó lại được phát huy, nâng cao. Lớp lớp đồng bào, chí sĩ yêu nước nêu cao dũng khí “Bao giờ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Không nao núng, không nhụt chí trước sức mạnh súng đạn của kẻ thù, một phong trào Cần Vương kéo dài hơn 10 năm mà lãnh tụ tiêu biểu nhất của tinh thần dám đánh, quyết đánh, tiên phong là Phan Đình Phùng. Đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu nêu cao dũng khí vũ trang bạo động và một tinh thần đột phá cải cách kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm chấn hưng dân khí, dân trí với tấm gương sáng Phan Châu Trinh.

Một bề dày lịch sử tạo nền, vun gốc để khi chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào xã hội Việt Nam thì chính những người cộng sản là những người dẫn đạo việc kế thừa xứng đáng tinh thần tiên phong, nêu gương, đột phá của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của các giá trị tinh thần truyền thống của nhân dân ta. Tất cả những gì tốt đẹp nhất trong hàng nghìn năm lịch sử đều sống dậy tràn đầy sức mạnh hơn bao giờ hết trong thời đại Hồ Chí Minh. Nói tới một con người mà cả cuộc đời mình đã để lại một tinh thần dám xả thân vì nước, vì dân, tiên phong, gương mẫu thì không có một ai xứng đáng hơn Hồ Chí Minh. Người đã trở thành biểu tượng rực rỡ, sáng chói của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, “dáng đứng Việt Nam” trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do, hạnh phúc.

Với Tổ quốc và nhân dân, tinh thần "dám" của Người tỏ rõ chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Người hứa với đồng bào “Hồ Chí Minh không phải là người bán nước; không phải là kẻ tham quyền cố vị mong được thăng quan phát tài; khi nào đồng bào cho lui thì rất vui lòng lui”. Người tránh xa vòng danh lợi. Người luôn nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Người nêu gương tự nguyện nhịn ăn trong phong trào “Hũ gạo cứu đói” với câu nói nổi tiếng: “Mình có đói mới hiểu nỗi khổ của người đói”. Trong kháng chiến chống Mỹ, Người đề nghị thổi cơm độn cho Người như cán bộ và nhân dân.

Với Quốc tế Cộng sản, Người mạnh bạo phê bình tư tưởng “khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa”, hành động theo cách “đánh chết rắn đằng đuôi”. Với các đảng cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Pháp, Người thẳng thắn nói rằng các đảng cộng sản làm rất ít, thậm chí hầu như chưa có gì cho các nước thuộc địa.

Với kẻ thù, bản lĩnh, dũng khí Hồ Chí Minh là “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”. Đối mặt với nhà chính trị cáo già là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Albert Sarraut, Người ung dung, mỉm cười, trả lời đĩnh đạc, dứt khoát: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập!”.

Với Đảng ta, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, trên diễn đàn Đại hội II, III và nhiều hội nghị quan trọng khác của Đảng, Người đã thẳng thắn chỉ ra không ít khuyết điểm lớn về việc học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức. Người phê bình cơ quan lãnh đạo các cấp về lề lối làm việc, về chủ trương, về cách lãnh đạo còn có những khuyết điểm khá phổ thông và nghiêm trọng như bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi, bệnh công thần, và yêu cầu phải sửa đổi lối làm việc, chống tham ô, lãng phí, quan liệu, thói vô trách nhiệm.

Hồ Chí Minh nêu tấm gương sáng về tinh thần "dám", tỏ rõ dũng khí, bản lĩnh bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái đẹp; phê phán cái sai, cái ác, cái xấu. Người giáo dục cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng tư cách của một người cách mạng chân chính với nội dung cốt lõi là dám suy nghĩ và hành động, xả thân vì quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân; cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, có gan phụ trách, mạnh bạo tự phê bình và phê bình. Người chỉ rõ, không nói năng, không đề đạt ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc nhau, nịnh hót nhau là những hiện tượng rất xấu, thế là mất hết dân chủ trong Đảng, thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách thì như thế là một việc thất bại cho Đảng.

Lịch sử 94 năm Đảng Cộng sản Việt Nam là lịch sử của biết bao đồng bào, đồng chí, cán bộ lãnh đạo, đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì Tổ quốc và nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Họ dám chiến đấu, hy sinh một cách oanh liệt; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngại khó khăn, gian khổ, không màng danh lợi bản thân, dám tự phê bình, nhận khuyết điểm, từ chức vì danh dự của Đảng, vì lợi ích của cách mạng, của nước, của dân.

Pho “lịch sử bằng vàng” đó của Đảng được tiếp tục khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng. Hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu. Đại hội XIII nhấn mạnh “xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.

Tình thần “dám”, đột phá, tiên phong, gương mẫu của dân tộc ta từ truyền thống đến hiện đại, sáng ngời trong thời đại Hồ Chí Minh là một nhân tố cực kỳ quan trọng, một nguồn lực, động lực mạnh mẽ để “định vị Việt Nam”, đưa chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, viết tiếp trang sử hào hùng của Đảng và dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tinh thần "dám" của người Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.