(HNMCT) - Gần đây, cơ quan chức năng đã thực hiện nghiêm chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn phổ biến, đòi hỏi người tiêu dùng phải tỉnh táo khi lựa chọn sản phẩm liên quan.
Hàng loạt sai phạm
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ trong một tháng qua, cơ quan này đã ra quyết định xử phạt 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) vi phạm quy định về quảng cáo với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến nay, 24 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền trên 1,62 tỷ đồng. Trong đó, có những vi phạm nghiêm trọng như sản xuất, bán sản phẩm TPCN không có giá trị sử dụng, quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Đó là chưa kể sai phạm về ghi nhãn TPCN không đúng với quy định của pháp luật, sai so với hồ sơ công bố, sử dụng hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, sai phạm chủ yếu là quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh; quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung; quảng cáo công dụng không đúng với hồ sơ đã công bố. Như khi dịch Covid-19 hoành hành, một số đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo nhiều loại TPCN có tác dụng tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Thậm chí, để nâng cao uy tín cho sản phẩm, có những đơn vị đã “mượn” hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm. “Bên cạnh đó, tình trạng bán TPCN online, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, không công khai nơi trưng bày... đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý”, bà Nga chia sẻ.
Trên website chính thức của Viện Dinh dưỡng quốc gia từng đưa ra cảnh báo về hiện tượng mạo danh tên Viện, sử dụng logo, hình ảnh các bác sĩ của Viện để bán sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ qua mạng xã hội Facebook. Nhiều bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai cũng phải lên tiếng vì tình trạng “mạo danh” để quảng cáo TPCN. Tiến sĩ Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khẳng định, Viện không có bất cứ trang Facebook hay Fanpage nào quảng cáo hay bán các sản phẩm dinh dưỡng. Các bác sĩ của Viện không bao giờ gọi điện để tư vấn và bán sản phẩm dinh dưỡng.
Khó trăm bề
Thực tế, rất nhiều quảng cáo TPCN có nội dung “lập lờ đánh lận con đen”, gây hiểu nhầm. Không ít người vì tin lời quảng cáo nên đã bỏ nhiều tiền ra mua TPCN để trị bệnh, bỏ lỡ quy trình điều trị, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Trong khi đó, hiện nay, các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo TPCN thường chỉ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt chưa đủ sức răn đe cùng với biện pháp bổ sung là gỡ bỏ nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, kể từ lúc sản phẩm được quảng cáo đến khi cơ quan chức năng ra quyết định xử lý có thể là khoảng thời gian rất dài để sản phẩm “lộng hành” lừa dối người tiêu dùng. Điều này dẫn đến tình trạng “nhờn” luật, có doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định về quảng cáo TPCN, chấp nhận bị phạt để bán hàng, quảng cáo TPCN...
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, việc xử lý sai phạm không hề dễ dàng. Hiện nay, một số website, mạng xã hội đăng tải thông tin quảng cáo các loại TPCN vi phạm quy định về quảng cáo, nội dung quảng cáo công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Song, khi được Cục An toàn thực phẩm mời lên làm việc thì các doanh nghiệp nói trên đều “chối”, không thừa nhận nội dung quảng cáo trên các website đó là của mình. Với những trường hợp này, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục An toàn thực phẩm buộc phải chuyển hồ sơ vụ việc sang Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý theo quy định.
Để quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN, theo ông Nguyễn Thanh Phong, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử phạt các hành vi vi phạm với khung cao nhất; thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm, tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng. Song, người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo: “Thị trường TPCN “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi trên thị trường”.
Trước thực trạng “loạn” quảng cáo TPCN, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) đưa ra lời khuyên: Người dân khi sử dụng TPCN cần tuân theo tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý dùng, nhất là khi sử dụng TPCN với hàm lượng cao trong thời gian dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.