(HNM) - Ngày 21-7, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì hội nghị công bố kết quả điều tra toàn bộ và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.
Tính đến 0 giờ ngày 1-4-2009, dân số nước ta là 85.846.997 người, với 3 đơn vị cấp tỉnh, thành phố có quy mô dân số hơn 3 triệu dân, gồm TP Hồ Chí Minh (7,163 triệu người), Hà Nội (6,452 triệu người) và Thanh Hóa (3,401 triệu người). Cả nước có 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm 85,7%, còn lại là các dân tộc khác như Tày, Dao, Nùng, Ê Đê, Thái… Thời gian qua, mức gia tăng dân số có chiều hướng giảm, tỷ suất tăng dân số bình quân giảm từ 1,7% thời kỳ 1989-1999 xuống 1,2% trong thời kỳ 1999-2009. Cơ cấu dân số theo độ tuổi có sự thay đổi tích cực do tỷ lệ dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33,1% năm 1999 xuống còn 24,5% vào năm 2009. Ngược lại, tỷ lệ dân số nhóm tuổi 15-64 (là nhóm tuổi chủ lực của lực lượng lao động) tăng từ 61,1% lên 69,1% trong thời gian tương ứng. Đây là thời kỳ "cơ cấu dân số Vàng", được các chuyên gia quốc tế đánh giá là điều kiện thuận lợi để phát huy tác dụng trong chiến lược phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 110,5 bé trai/100 bé gái. Con số trên chưa phải là tình trạng đáng báo động, song cũng cần lưu ý, có những biện pháp quản lý, tuyên truyền và điều chỉnh kịp thời để giữ được sự cân bằng giới tính trong giai đoạn tiếp theo.
Trong những hộ gia đình có nhà ở, 46,3% có nhà ở kiên cố, 37,9% số hộ có nhà bán kiên cố, còn lại là các hộ ở nhà đơn giản. Về hình thức sở hữu nhà, 92,8% số hộ có nhà riêng, nhà thuê hoặc mượn của tư nhân chiếm 6,5%. Diện tích nhà ở tính bình quân đạt 16,7m2/người. Hiện hơn 86% số hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, 54% số hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh, 96% số hộ sử dụng điện lưới để thắp sáng…
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận định, tổng điều tra đã diễn ra đúng kế hoạch và thành công. Các số liệu chi tiết sẽ là đầu vào tham chiếu, rất có giá trị giúp Chính phủ, các địa phương, ngành… nghiên cứu, vận dụng trong việc hoạch định, điều chỉnh và thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, an sinh xã hội nói chung; từng lĩnh vực, như văn hóa, giáo dục, y tế, phát triển con người nói riêng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.