Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình cảm Hà Nội - Huế - Sài Gòn trên báo chí Thủ đô

Mai Hữu| 05/10/2020 06:57

(HNM) - Những ngày này cách đây 60 năm, sự kiện kết nghĩa giữa ba thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) đã đọng lại biết bao niềm xúc động. Những tâm tư tình cảm này đã được Báo Thủ đô Hà Nội (nay là Báo Hànộimới) phản ánh đầy đủ trên các trang báo, trong đó có chuyên mục “Hà Nội - Huế -  Sài Gòn, là cây một gốc, là con một nhà” đã khắc họa rõ nét không khí hân hoan của Thủ đô ngày ấy.

Quang cảnh hàng nghìn nam nữ thanh niên tham gia cuộc thi chạy tượng trưng Hà Nội - Huế - Sài Gòn tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), năm 1960. Ảnh tư liệu

Sôi nổi các hoạt động hưởng ứng

Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 9-10-1960 cho biết, trong buổi lễ kết nghĩa giữa ba thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn diễn ra tối 8-10-1960 tại Hà Nội, trước 1.000 đại biểu của nhân dân Thủ đô Hà Nội và 2 Hội đồng hương Sài Gòn, Huế, đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội khẳng định: “Nhân dân Hà Nội phấn khởi nhận trách nhiệm và sẽ cố gắng xứng đáng với lòng mến yêu của đồng bào Huế và Sài Gòn. Nhân dân Hà Nội ghi tên thân yêu Huế, Sài Gòn trong tim mình, trong tâm trí mình, mang tình yêu mến Huế, Sài Gòn đẩy mạnh mọi mặt công tác, nỗ lực xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa”.

Những ngày sau buổi lễ kết nghĩa, Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 19-10-1960 đưa tin: “Cả Hà Nội rạo rực... Những cuộc gặp mặt, những cuộc trao đổi từ năm ba người đến hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn người. Mít tinh hoan nghênh ở nhiều cơ sở, xí nghiệp, khu phố…”. Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 22-10-1960 chạy tít lớn: “Hơn 7 nghìn cán bộ, đồng bào Hà Nội và Sài Gòn, Huế tập kết liên hoan thân mật mừng kết nghĩa Hà Nội - Sài Gòn - Huế vào tối 21-10”. Số báo ra ngày 24-10-1960 thông tin về lễ trồng cây kết nghĩa tại Công viên Thống Nhất vào ngày 23-4-1960. Tại buổi lễ, các đại biểu đại diện cho ba thành phố đã trồng ba cây đa chụm lại cùng một gốc, thể hiện mối tình ruột thịt cùng nhau chung lưng đấu cật phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 28-10-1960 có tin, từ ngày 21 đến 26-10-1960, toàn thể giáo viên, học sinh các trường phổ thông cấp 1, 2 khu Hoàn Kiếm (nay là quận Hoàn Kiếm), trường phổ thông cấp 3-A Trường Nguyễn Huệ, nhân dân thuộc 37 khối và gần 3.000 lao động thủ công khu Trúc Bạch (nay thuộc quận Ba Đình), toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức và các nhà tư sản thuộc liên xưởng cơ khí I công tư hợp doanh Hà Nội đã họp mít tinh, nghe nói chuyện, tổ chức các cuộc chạy kết nghĩa và trồng cây kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Bên cạnh đó, hơn 500 đồng bào lao động hai khu Phúc Xá và An Dương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm) đã họp mít tinh phản đối Mỹ - Diệm đuổi nhà, cướp đất của hơn 600 gia đình lao động trên đường Trần Quang Khải (Sài Gòn). Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 3-11-1960 cũng nêu: "Ngày 31-10, trường phổ thông cấp 1, 2 Đoàn Kết đã mít tinh hưởng ứng phong trào kết nghĩa; tối 1-11, Ban Văn hóa khu Hai Bà Trưng (nay là quận Hai Bà Trưng) đã nói chuyện về lễ kết nghĩa cho các cán bộ văn hóa, văn nghệ và các diễn viên các đội tuồng, chèo, cải lương; tối 2-11 các khối dân phố, các xí nghiệp cũng lần lượt mít tinh hưởng ứng lễ kết nghĩa. Ngoài ra, tại xưởng giấy khu Trúc Bạch, công nhân đã phát động đợt thi đua mới nhằm hoàn thành công tác quý IV-1960 và hưởng ứng phong trào kết nghĩa".

Những xúc cảm lắng đọng

Những ngày tháng lịch sử cách đây 60 năm đã được những người con Sài Gòn, Huế xa quê lúc bấy giờ đón nhận với biết bao tình cảm sâu lắng. Trong bài “Món quà Hà Nội vô Nam” đăng trên Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 18-10-1960 có đoạn: “Nếu như những năm trước đây, có những ngày 20-7 để toàn miền Bắc thêm da diết với miền Nam, ngày 23-9 để kỷ niệm những chiến công của đất Thành đồng Tổ quốc, thì ở Hà Nội, những ngày hôm nay - ngày 8-10 - có mây trắng, trời xanh, có lòng người hân hoan rạo rực, có lễ kết nghĩa Hà Nội - Sài Gòn - Huế”. Mô tả không khí người dân Hà Nội sau khi Hà Nội, Sài Gòn, Huế kết nghĩa, bài viết có đoạn: “Riêng tại chợ Đồng Xuân, trong những ngày lễ kết nghĩa, nhiều bà con đã khóc vì cảm động, vì sung sướng, nhất là những gia đình có thân nhân, họ hàng, con cháu trong Nam…”. Bà má Tuyết, xã viên một tổ hợp tác bán bún bò trong chợ Đồng Xuân, có ba bốn mươi năm ngược xuôi từ Nam chí Bắc nói: “Mỗi lần vô trong đó chơi, tôi vẫn không quên mang ít quà Hà Nội, bà con thiệt quý vô cùng…”.

Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 1-11-1960 có bài viết “Ba cây một nhà” đã khắc họa được niềm vui của những người Huế, Sài Gòn ở Hà Nội sau khi ba thành phố tổ chức kết nghĩa: “Anh Vinh, một họa sĩ chuyên vẽ các mẫu tem thư cho biết: “Lễ kết nghĩa Hà Nội - Sài Gòn - Huế đã gợi ý cho tôi rất nhiều”. Trong tập mẫu tem thư của anh Vinh, chiếc tem “đấu tranh thống nhất” biểu hiện những anh em cán bộ, công nhân miền Nam kiến thiết con đường xe lửa thống nhất về Nam; chiếc tem “nối liền Nam - Bắc” với nhịp cầu Hiền Lương, in hình con chim bồ câu trắng ngậm thư bay về Nam mặc dù trời đang nổi cơn giông bão…”.

Trong số báo trên có viết: “Anh Sỹ, một bưu tá đứng tuổi người Sài Gòn, ngày lại ngày đem phong thư nóng hổi những tin tức thân yêu đến các gia đình dọc phố, đến các khu xóm lao động. “Anh thuộc làu từng ngõ, từng số nhà một cho đến cả những vẻ mặt của người nhận thư vồ vập, săn đón ra sao… Những lúc ấy, anh lại thấy buốt nhức trong con tim, và một lúc nào đó, thèm khát đọc từng dòng chữ, một chữ cũng được thôi, của gia đình trong Sài thành xa tít tắp...”.

Hà Nội ngày ấy, qua khắc họa của Báo Thủ đô Hà Nội, như muốn “nở bung lồng ngực để ôm lấy miền Nam”, như muốn nói một lời tha thiết, đằm thắm: “Hà Nội - Sài Gòn - Huế là một. Không ai có thể cắt chia và cũng không thể kéo dài tình trạng Nam - Bắc đôi nơi mãi…”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tình cảm Hà Nội - Huế - Sài Gòn trên báo chí Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.