Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tỉnh Bình Dương nâng cao hiệu quả chuyển đổi số

Hà Phạm| 20/03/2023 07:36

(HNM) - Tiếp nối truyền thống năng động, sáng tạo, mạnh dạn triển khai những cách làm mới, tỉnh Bình Dương đang nỗ lực chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực. Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhằm xây dựng Bình Dương ngày một thông minh hơn.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) Bình Dương đi vào hoạt động, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Những thành công bước đầu

Là thành phố trẻ của tỉnh Bình Dương, Tân Uyên đang tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Người dân và doanh nghiệp đến Trung tâm Hành chính thành phố Tân Uyên đều được hướng dẫn làm hồ sơ và đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến. “Chúng tôi đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" và được giải quyết nhanh chóng, không phải chờ đợi lâu”, chị Hoàng Thị Phấn (ngụ phường Khánh Bình) vui mừng chia sẻ.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cũng là một trong các đơn vị đạt được những kết quả rõ nét trong quá trình chuyển đổi số. Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đơn vị quản lý được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 trở lên (trong đó có 58 thủ tục cung cấp mức độ 4), thời gian thực hiện một số thủ tục đã giảm từ 1 đến 5 ngày so với quy định. Bên cạnh đó, Sở còn chia sẻ công khai, minh bạch dữ liệu tài nguyên và môi trường như đất đai, quy hoạch, giá đất, khai thác khoáng sản…, thông qua Trang thông tin điện tử của Sở và Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) Bình Dương, giúp các ngành chức năng, tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận, tra cứu, sử dụng thông tin.

Tương tự, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết, đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều sử dụng phần mềm quản lý trường học, kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% cơ sở giáo dục đã triển khai các ứng dụng hồ sơ, sổ sách điện tử; triển khai thanh toán các loại phí giáo dục theo hình thức không dùng tiền mặt...

Trong khi đó, quá trình chuyển đổi số tại ngành Điện lực tỉnh Bình Dương cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, có 488.321/576.956 khách hàng đã cài đặt ứng dụng quản lý sử dụng điện và liên lạc qua Zalo, chiếm tỷ lệ 84,64% khách hàng; 496.000 khách hàng thanh toán trực tuyến, chiếm 86% khách hàng sử dụng điện. Thông qua ứng dụng nêu trên, khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến, tương tác với công ty các nội dung liên quan.

Tiếp tục chuyển đổi số toàn diện

Đầu năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương đã vận hành nền tảng số “Ứng dụng Bình Dương số”. Thông qua ứng dụng này, người dân và doanh nghiệp có thể khai thác và thực hiện thông tin liên quan đến dịch vụ công; phản ánh tình hình an ninh trật tự và đời sống; tra cứu thông tin quy hoạch... Đây được xem là kênh giao tiếp tổng hợp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền tỉnh, tạo sự thuận lợi trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.        

Để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã đề nghị các sở, ngành và đơn vị liên quan đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn, giúp các địa phương giải quyết những khó khăn khi thực hiện. Mặt khác, các địa phương được yêu cầu đầu tư trang thiết bị, hoàn thiện hạ tầng, sớm thành lập trung tâm giám sát, điều hành thông minh; tích cực tuyên truyền, vận động người dân cài đặt, sử dụng “Ứng dụng Bình Dương số”…, để thuận lợi trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lê Tuấn Anh cho biết, nhằm nâng cao chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của tỉnh Bình Dương năm 2023 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo, điều hành đối với việc xác định DTI cấp bộ, cấp tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, có 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước được tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực; 100% cán bộ chuyên trách, phụ trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số…

Để đạt được những kết quả trên, UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ; định hướng của bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh, nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm kịp thời, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. "Bình Dương đang tiếp tục triển khai xây dựng dự án “Bảo đảm nguồn nhân lực công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước giai đoạn năm 2022-2026”; dự kiến bắt đầu tổ chức thực hiện các nội dung của dự án trong năm 2023", ông Nguyễn Lộc Hà thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỉnh Bình Dương nâng cao hiệu quả chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.