Theo dõi Báo Hànộimới trên

Coi thường việc thực hiện cách ly xã hội sẽ là đại họa

Bảo Hân| 09/04/2020 18:31

(HNMO) - Vài ngày gần đây, đường phố Hà Nội lại trở nên đông đúc hơn do có nhiều người lưu thông. Tâm lý chủ quan, xem nhẹ yêu cầu thực hiện cách ly xã hội của không ít người đang bị cộng đồng phản ứng gay gắt, xem đó là sự thiếu ý thức và vô trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Giao thông trên nhiều tuyến phố của Hà Nội ngày 9-4 đông đúc, cho thấy tâm lý chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân trong thực hiện cách ly xã hội.

Bước sang ngày thứ 9 thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đường phố Thủ đô lại đông đúc phương tiện lưu thông. Hình ảnh người xe chen chúc tại các nút giao thông hay những người đi tập thể dục… trong 2-3 ngày gần đây liên tiếp được phản ánh trên báo chí cũng như mạng xã hội.

Dù người dân khi ra ngoài đã có ý thức đeo khẩu trang, nhưng nguy hiểm là nhiều người còn thờ ơ với quy định phải giãn cách tối thiểu 2m. Và cũng sau 9 ngày tuân thủ việc tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều hàng quán, cơ sở kinh doanh nhỏ tại Hà Nội đã mở cửa trở lại hoặc có muôn vàn kiểu “lách luật” để phục vụ khách hàng. 

Điển hình như vào chiều ngày đầu tuần (6-4), một cửa hàng bán bánh mỳ nổi tiếng trên phố Trần Xuân Soạn, dù cửa chính đóng, nhưng nhân viên cửa hàng đứng bên ngoài hướng dẫn khách lặng lẽ xếp hàng chờ nhận bánh từ cửa phụ. Dòng người đông đúc xếp hàng chờ bánh có lẽ đều cho đây là nhu cầu chính đáng để biện minh cho việc ra đường, không giữ khoảng cách. 

“Tôi xem thời sự kỹ lắm, thấy có ngày đã không còn xuất hiện các ca nhiễm mới nữa nên lại túc tắc đi bán hàng. Tình hình này có vẻ ổn rồi…”, một phụ nữ trẻ bán hoa quả tại chợ dân sinh trên phố Ngọc Lâm (quận Long Biên) trong sáng 7-4 tỏ ra "rất am hiểu" nói với khách hàng của mình. Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều người sau những ngày đầu nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội thì đã chủ quan, tự cho phép mình “lơi lỏng”, muốn nhanh chóng quay về nhịp sống thường nhật. 

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều cho rằng, tâm lý chủ quan này đang gây ra mối đe dọa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, đặc biệt khi một số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở Việt Nam chưa xác định được nguồn lây. Việc không xuất hiện những ca nhiễm mới tại một số thời điểm nhất định là tín hiệu vui, nhưng chưa có cơ sở khẳng định về dịch tễ, vì thế người dân không thể chủ quan, coi thường việc thực hiện cách ly xã hội - được xác định là giải pháp rất quyết liệt, mạnh mẽ, lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Có một thực tế, bên cạnh sự thiếu ý thức của một số người dân, thì chính sự thiếu quyết liệt, buông lỏng trong giám sát, quản lý, cũng như chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm của các địa phương và cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân. Thực tế đã cho thấy, những địa bàn, khu vực nào có sự vào cuộc, trước là tuyên truyền, nhắc nhở, sau là xử phạt nghiêm khắc của lực lượng chức năng thì người dân ở đó thực hiện quy định hết sức nghiêm túc. Ngược lại, ở địa bàn nào, khu vực nào vắng bóng lực lượng chức năng thì người dân vẫn "thản nhiên" vi phạm, không tuân thủ yêu cầu cách ly xã hội.

Nhìn hình ảnh con đường đi bộ ven sông Tô Lịch những ngày qua luôn tấp nập người đi hóng gió, tập thể dục hay các “cần thủ” vẫn hồn nhiên thả câu tại hồ Thiền Quang, nhiều người đặt câu hỏi: Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng phải chăng đã “bỏ ngỏ” trận địa sau những ngày đầu ra quân với những kết quả bước đầu? 

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều nay, 9-4,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, thời gian qua, do thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 16 nên đã đem lại những kết quả ban đầu, kiểm soát tốt tốc độ lây lan nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn còn nhiều, do đó quan điểm là “không được lơ là, mất cảnh giác” mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Những kết quả bước đầu trong công tác phòng chống dịch có được là sự nỗ lực của không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và sự góp sức của nhân dân. Nếu chủ quan, không thực hiện đúng quy định về cách ly xã hội thì mọi nỗ lực vừa qua sẽ vô nghĩa. Vì vậy, hơn khi nào hết, mỗi người trong chúng ta cần nâng cao ý thức, tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, trước hết là vì sự an nguy của chính bản thân mình, gia đình mình và cả cộng đồng. 

Cùng với việc người dân tự chấn chỉnh, siết lại “kỷ luật” thực hiện cách ly xã hội, nâng cao ý thức cộng đồng trong phòng, chống dịch thì các cấp chính quyền và lực lượng chức năng cần rà soát, chấn chỉnh và mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm. Song song với việc tuyên truyền, nhắc nhở, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Ai không thực hiện phải xử phạt nghiêm".

Hôm nay, trên một báo mạng điện tử đăng tải đoạn clip về Tom Nguyễn, một người gốc Việt ở bang Georgia (Mỹ) cảnh báo mọi người "hãy ở nhà”. Sau 6 tuần chiến đấu với Covid-19, có lúc tưởng không thể qua khỏi, từ trên giường bệnh ở thành phố Lawrenceville, Tom Nguyễn yếu ớt nói: "Xin hãy nghĩ kỹ trước khi ra khỏi nhà, không đáng để làm thế đâu! Hãy ở nhà, cách ly với xã hội và giữ gìn sức khỏe".

Không phải độc giả nào cũng đọc và thấu cảm được lời cảnh báo của một bệnh nhân Covid-19 từ nước Mỹ xa xôi. Tuy nhiên, việc ra khỏi nhà, nếu không vì những việc cấp thiết, với ý nghĩa để bảo vệ chính bản thân, gia đình và cả cộng đồng, nên được mỗi người hết sức cân nhắc. Xã hội có thể sẽ phải thêm gánh nặng chỉ vì tâm lý chủ quan, xem nhẹ, dẫn đến các hành động thiếu ý thức của một số người. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Coi thường việc thực hiện cách ly xã hội sẽ là đại họa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.