Tự hào là “con Lạc, cháu Hồng”; Đặc sắc nghệ thuật quân sự Việt Nam; Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam: Chủ động tìm giải pháp khắc phục; Dự án Cụm công nghiệp Thanh Đa (Phúc Thọ): Vì sao chưa đi vào hoạt động? Bãi rác khổng lồ giữa khu dân cư cần được xử lý… là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 7-4-2025.
Tự hào là “con Lạc, cháu Hồng”
Hôm nay (7-4, tức mùng 10 tháng Ba Âm lịch) chính hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày này, trong mỗi người Việt Nam lại vang lên lời nhắc: "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba" và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Từ bao đời nay, người Việt luôn tự hào mang trong mình dòng máu “con Lạc, cháu Hồng”.
Đặc sắc nghệ thuật quân sự Việt Nam
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã mang đầy đủ những nét độc đáo, sáng tạo và đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta. Cùng với việc huy động toàn dân đánh giặc, cách đánh “thần tốc, táo bạo, bất ngờ và chắc thắng” là nét đặc sắc trong nghệ thuật dùng binh của ông cha ta đã được vận dụng triệt để vào chiến dịch này.
Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam: Chủ động tìm giải pháp khắc phục
Mức thuế mà Hoa Kỳ áp lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến từ ngày 9-4, lên tới 46% là thiếu công bằng và đáng quan ngại. Trước diễn biến này, bằng nhiều giải pháp tổng thể, tích cực, Việt Nam đang chủ động tìm cách khắc phục, kiên trì giữ vững các mục tiêu kinh tế của cả năm 2025.
Sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây dược liệu: Cần giải pháp khai thác hiệu quả
Việt Nam có nguồn giống cây dược liệu rất lớn, nhiều loại quý hiếm, phục vụ ngành dược phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc chế biến và tiêu thụ cây dược liệu ở nước ta vẫn manh mún, thô sơ, chưa thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất và xuất khẩu… Để khai thác hiệu quả lợi thế nguồn nguyên liệu quý hiếm này, rất cần những giải pháp hữu hiệu hơn nữa từ nhiều phía...
“Báu vật trời Nam - bên kia thế giới” - tiểu thuyết kết nối cội nguồn
Tiểu thuyết “Báu vật trời Nam - bên kia thế giới”, ra mắt ngày 6-4, tại Hà Nội, đánh dấu sự trở lại ấn tượng của cây bút nữ nổi bật trong văn học Việt Nam đương đại - Nguyễn Thị Anh Thư. Cuốn tiểu thuyết mang đến hành trình sâu sắc, kết nối lịch sử, văn hóa và tâm linh của dân tộc.
Tại buổi ra mắt tiểu thuyết, tác giả Nguyễn Thị Anh Thư chia sẻ, bà đã dành 4 năm để thực hiện tiểu thuyết, lấy cảm hứng từ một chi tiết thật: Năm 1983, có 2 người nước ngoài vượt biển vào Việt Nam đi tìm kho báu ở đảo Hòn Tre - một sự kiện gây xôn xao và gợi mở những câu chuyện về bí ẩn lịch sử lẫn khát vọng khám phá những giá trị ẩn giấu của một quốc gia bên bờ biển.
Dự án Cụm công nghiệp Thanh Đa (Phúc Thọ): Vì sao chưa đi vào hoạt động?
Dự án Cụm công nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) do Công ty cổ phần Tập đoàn Long Biên làm chủ đầu tư; đã hoàn thành các danh mục được phê duyệt trong phạm vi thực hiện dự án hơn một năm, nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động, gây lãng phí. Vấn đề này đã được đại biểu Vũ Ngọc Anh chất vấn tại kỳ họp thứ 20 của HĐND thành phố Hà Nội, nhưng câu trả lời của các cơ quan chức năng chưa thực sự thỏa đáng. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết “Dự án Cụm công nghiệp Thanh Đa (Phúc Thọ): Vì sao chưa đi vào hoạt động?".
Tại phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy): Bãi rác khổng lồ giữa khu dân cư cần được xử lý
Gần một năm qua, tại khu đất trống ô A4 Khu đô thị Nam Trung Yên, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) hình thành bãi rác tự phát. Rác thải lưu cữu từ ngày này qua tháng khác, mỗi ngày lại nhiều thêm, chất cao như núi, khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân khu vực. Đề nghị chính quyền sở tại và các ban, ngành chức năng của quận Cầu Giấy khẩn trương di chuyển bãi rác ra khỏi khu vực, trả lại môi trường sạch sẽ, cảnh quan trong lành cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.