Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đầu tiên theo chương trình mới: Khẩn trương chuẩn bị, hỗ trợ tối đa; Đan Phượng nâng “chất” xã nông thôn mới kiểu mẫu; Dấu ấn sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024; Nhiều vi phạm trong quản lý đất công - vì sao chưa xử lý?... là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 4-10-2024.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đầu tiên theo chương trình mới:
Khẩn trương chuẩn bị, hỗ trợ tối đa
Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên học sinh lớp 9 học chương trình, sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các em cũng là lứa học sinh đầu tiên tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025-2026 theo chương trình mới. Dù chưa công bố phương án thi mới, song Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa các môn của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học tới.
Điểm mới đáng lưu ý là ngoài dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn (cho 4 phương án, chọn 1 phương án đúng - dạng thức đã quen thuộc với học sinh), các môn thi trắc nghiệm ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 sẽ có thêm dạng thức trắc nghiệm mới như trắc nghiệm đúng/sai (mỗi câu hỏi có 4 ý, học sinh chọn đúng hoặc sai ở từng ý); dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn (học sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình)...
Đan Phượng nâng “chất” xã nông thôn mới kiểu mẫu
Cùng với Thanh Trì, Đan Phượng là một trong hai huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Dù đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã, nhưng huyện Đan Phượng vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới toàn diện 8/8 tiêu chí. Do đó, huyện đang nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện.
Huyện Đan Phượng xác định tiếp tục nâng cao chất lượng tất cả các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng thông tin, trong 9 tháng của năm 2024, huyện hoàn thành thêm 40 dự án thuộc các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, văn hóa, môi trường, y tế…
Huyện Đan Phượng cũng quan tâm đầu tư cho các tiêu chí giúp huyện nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời giúp huyện cán đích các mục tiêu để trở thành đô thị trong thời gian tới.
Dấu ấn sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024
Với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững”, sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024” (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) là sự kiện quan trọng chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024) và 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024).
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá, sự kiện "Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024" được tổ chức thành công là minh chứng rõ nét cho hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa UBND thành phố Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ. Hà Nội cam kết đồng hành với các doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cán bộ Hội Phụ nữ “dân vận khéo”
Từng tham gia công tác phụ nữ trong quân đội, về nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Hồng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 21 phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) tiếp tục phát huy kinh nghiệm vào các hoạt động tại địa bàn dân cư. Gần 8 năm qua, bà luôn năng động, “dân vận khéo” để chị em phụ nữ nhiệt tình tham gia các phong trào.
Đặc biệt, bà Hồng còn cùng các cán bộ Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 21 tuyên truyền, vận động chị em tham gia phong trào nuôi lợn nhựa tiết kiệm. Phong trào đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua, hiện duy trì được 4 nhóm, tích cóp được 60 triệu đồng/tháng. Số tiền này dành để cho các hội viên vay không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình hoặc giải quyết các vấn đề đột xuất phát sinh trong cuộc sống...
Xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất):
Nhiều vi phạm trong quản lý đất công - vì sao chưa xử lý?
Phản ánh đến Báo Hànộimới, người dân xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) cho biết, trên địa bàn xã tồn tại nhiều vi phạm trong công tác quản lý đất đai. Đáng chú ý là việc UBND xã Phùng Xá đã cho các hộ dân thuê hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp công ích để làm bến bãi, tạm thời làm điểm sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều hộ đã xây dựng nhà cao 1-4 tầng kiên cố để ở, làm văn phòng... Vi phạm kéo dài, nhân dân bức xúc, vậy vì sao đến nay vẫn chưa được xử lý?
UBND huyện Thạch Thất đã chỉ rõ nhiều vi phạm trong việc giao thầu đất nông nghiệp công ích trên địa bàn xã vào mục đích làm bến bãi, kinh doanh, dịch vụ; đồng thời yêu cầu UBND xã Phùng Xá lập hồ sơ, xử lý các vi phạm theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, mọi vi phạm vẫn tồn tại.
Thực tế trên cho thấy, công tác quản lý đất đai tại xã Phùng Xá bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ vi phạm tại xã Phùng Xá mới được xử lý?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.