Diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội: Sẵn sàng mọi tình huống bảo vệ Thủ đô; Tạo cơ sở pháp lý phát triển lành mạnh thị trường bất động sản; Tổ chức đợt thi đua cao điểm cài đặt, kích hoạt và sử dụng iHanoi trong tháng 11-2024; Hà Nội xóa nhà siêu mỏng, siêu méo: Cần nhiều giải pháp đột phá; Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024: Vào chặng nước rút; Hợp tác trường đại học - doanh nghiệp: Đôi bên cùng có lợi; Thông tin trên nhãn thực phẩm cảnh báo những gì?… là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 29-10-2024.
Diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội: Sẵn sàng mọi tình huống bảo vệ Thủ đô
Thành phố Hà Nội nằm trong thế trận phòng thủ chung của cả nước, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Những năm gần đây, các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội ngày càng có nhiều điểm mới, sát thực tế để tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô trong mọi tình huống.
Qua diễn tập, hệ thống chính trị của thành phố sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc; rút ra kinh nghiệm về xây dựng tiềm lực và nâng cao sức mạnh trong khu vực phòng thủ, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc và Thủ đô trong tình hình mới.
Tạo cơ sở pháp lý phát triển lành mạnh thị trường bất động sản
Ngày 28-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, bên cạnh thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Về vấn đề này, nhiều đại biểu đề nghị cần có cơ sở pháp lý để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực sự của người dân.
Tổ chức đợt thi đua cao điểm cài đặt, kích hoạt và sử dụng iHanoi trong tháng 11-2024
Ngày 28-10, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 311/KH-UBND phát động đợt thi đua cao điểm hướng dẫn nhân dân cài đặt, kích hoạt tài khoản và sử dụng các tiện ích trên nền tảng “Công dân Thủ đô số - iHanoi” nhằm đẩy mạnh phương thức tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đợt thi đua cao điểm từ ngày 1-11-2024 đến hết ngày 30-11-2024. Đối tượng tham gia gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang thuộc các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn thể, người dân hiện đang sinh sống, hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hà Nội xóa nhà siêu mỏng, siêu méo: Cần nhiều giải pháp đột phá
Từ ngày 7-10-2024, thành phố Hà Nội triển khai xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện tồn tại khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích quốc phòng, an ninh. Đây là động thái mạnh mẽ không để xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, thực trạng quản lý đô thị nhiều năm qua cho thấy, để đạt được kết quả đề ra, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và cần thêm những giải pháp mang tính đột phá…
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024: Vào chặng nước rút
9 tháng năm 2024, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 320.566 tỷ đồng, bằng 47,29% kế hoạch giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Hiện thời gian không còn nhiều, việc thực hiện mục tiêu giải ngân đầu tư công của năm 2024 đang vào chặng nước rút. Điều đó đòi hỏi các bộ, ngành, đơn vị, địa phương, cùng các chủ đầu tư, đội ngũ nhà thầu phải khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội đất nước...
Hợp tác trường đại học - doanh nghiệp: Đôi bên cùng có lợi
Thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả hai bên, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Do đó, theo các chuyên gia, hai bên cần phân tích nhu cầu của nhau, tận dụng cơ hội để liên kết, đẩy nhanh sự phát triển của nhau và vì sự phát triển chung của đất nước.
Thông tin trên nhãn thực phẩm cảnh báo những gì?
Thực phẩm chế biến sẵn xuất hiện ngày một nhiều tại các siêu thị lớn, nhỏ hay trong các cửa hàng tạp hóa. Việc trang bị tốt kỹ năng đọc nhãn thực phẩm sẽ giúp người tiêu dùng biết cách phân biệt, lựa chọn những sản phẩm chất lượng tốt, an toàn và phù hợp với sức khỏe. Thế nhưng, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu và quan tâm đến việc đọc nhãn sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.