Văn hóa

Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 23-12-2024

Thư Ký

Tinh gọn bộ máy đi đôi với bố trí đúng người, đúng việc; Nâng cao chất lượng vỉa hè gắn thúc đẩy kinh tế đô thị; Cộng đồng trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam; Hiểu đúng về mức phí phát hành sách giáo khoa; Sắp hết thời “ngủ đông”?... là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 23-12-2024.

Tinh gọn bộ máy đi đôi với bố trí đúng người, đúng việc

viec-sap-xep-tinh-gon-bo-may-gop-phan-giup-he-thong-chinh-tri-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua..jpg
Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy góp phần giúp hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị đang nhận được sự ủng hộ, tin tưởng rất cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trao đổi với Báo Hànộimới, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị - người cách đây 16 năm từng “đứng mũi chịu sào” cuộc sắp xếp cán bộ khi hợp nhất 2 bộ máy Hà Nội - Hà Tây chia sẻ: “Cuộc xắp xếp tinh gọn bộ máy lần nào cũng có những khó khăn. Nhập vào luôn khó hơn là tách ra. Cùng với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, là yêu cầu phải bố trí sao cho đúng người, đúng việc”.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu để cho anh em tự “chạy” thì lỗi của anh em nửa ít, lỗi của lãnh đạo nửa nhiều. “Ở trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào” là như vậy.

Để đánh giá thành công của việc tinh gọn bộ máy, cần phải xem xét chất lượng, hiệu quả vận hành bộ máy. Trong đó, việc phân công, bố trí cán bộ có thật sự “tinh”, “gọn”, hợp lý hay không? Nếu sắp xếp mà người tốt bị loại ra, người xấu ở lại thì bộ máy dù có tinh cũng không mạnh được.

Nâng cao chất lượng vỉa hè gắn thúc đẩy kinh tế đô thị

via-he-tuyen-pho-quang-trung-quan-hoan-kiem-da-duoc-chinh-trang-quy-chuan-hoa-sach-dep-co-du-tieu-chi-ap-dung-mot-trong-nhung-mo-hinh-de-an-dat-ra.-anh-viet-thanh.jpg
Vỉa hè tuyến phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) đã được chỉnh trang, quy chuẩn hóa sạch đẹp, có đủ tiêu chí áp dụng một trong những mô hình Đề án đặt ra. Ảnh: Viết Thành

Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn Hà Nội được UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì thực hiện qua nhiều giai đoạn khảo sát công phu, kỹ lưỡng. Hiện Đề án đang thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học cũng như chính quyền các địa phương trong diện thực hiện.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công cho biết, Đề án được xây dựng để áp dụng trên toàn địa bàn thành phố. Việc khảo sát đã thực hiện trên địa bàn toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã để đơn vị tư vấn, chuyên gia đánh giá đầy đủ hiện trạng, đưa ra 9 mô hình mang tính định hướng.

Khi triển khai, các địa phương căn cứ hiện trạng thực tế hoặc bất cập phát sinh để điều chỉnh, bảo đảm tính linh hoạt. Về thu phí, tổ soạn thảo nghiên cứu kỹ, dựa trên căn cứ của Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND về việc ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mức thu phí cụ thể sẽ được các quận, huyện triển khai chi tiết trong quá trình thực hiện.

Cộng đồng trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam

nhom-thien-nguyen-uong-nuoc-nho-nguon-trao-bien-tuong-trung-ung-ho-180-trieu-dong-tang-qua-tet-vi-nan-nhan-chat-doc-da-cam-tet-nguyen-dan-at-ty-2025.-anh-thu-minh.jpg
Nhóm thiện nguyện Uống nước nhớ nguồn ủng hộ 180 triệu đồng tặng quà Tết vì nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Thu Minh

Không chỉ huy động được nhiều nguồn lực thực hiện hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, trong năm 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, kêu gọi ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam...

Đặc biệt, Hội đã tổ chức 2 đoàn lãnh đạo Hội công tác nước ngoài. Đoàn đi Pháp và Bỉ tham dự vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại Tòa Phúc thẩm Paris đã gặp gỡ, làm việc với 16 tổ chức để vận động ủng hộ vụ kiện. Đoàn đi Mỹ dự Hội thảo “Những di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam - Lào - Campuchia” do Viện Hòa bình Mỹ tổ chức tại Washington DC, kết hợp làm việc với 8 đối tác ở Mỹ nhằm kêu gọi ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Trưởng ban Vận động quốc tế, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh, việc Hạ viện Bỉ thông qua Nghị quyết hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (tháng 10-2023) giúp nhiều cơ quan, tổ chức, chính khách có cách nhìn cụ thể hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam.

Hiểu đúng về mức phí phát hành sách giáo khoa

sach-giao-khoa-cua-nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-deu-duoc-giam-tu-hon-9-den-tren-11-tuy-bung-bo..jpg
Sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đều được giảm giá từ hơn 9% đến trên 11%, tùy bừng bộ.

Mức chiết khấu trong phát hành sách giáo khoa là vấn đề luôn thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội với nhiều băn khoăn, thậm chí gây tranh cãi. Trong khi đó, sách giáo khoa được coi là mặt hàng thiết yếu, giá bán sách giáo khoa có ảnh hưởng lớn tới gia đình người học.

Để có thông tin đầy đủ, chính xác về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các đơn vị xuất bản sách giáo khoa khác đều phải kê khai giá trên cơ sở các chi phí cấu thành giá và phải được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phê duyệt. Như vậy, thực tế, lợi nhuận từ sách giáo khoa hầu như không có, hoặc có rất ít. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có lợi nhuận là từ các sách khác như: Sách bổ trợ, sách tham khảo…

Tuy nhiên, dư luận và ngay cả một số người trong ngành chưa hiểu rõ điều này. Họ cho rằng, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam doanh thu 3.000 tỷ đồng, lãi 300 tỷ đồng là từ sách giáo khoa. Nếu làm sách giáo khoa dễ và lãi nhiều như vậy thì đã có nhiều nhà xuất bản, nhiều đơn vị tham gia vào việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa.

Sắp hết thời “ngủ đông”?

khu-cong-nghiep-ho-tro-nam-ha-noi-xa-dai-xuyen-huyen-phu-xuyen-tai-khoi-dong-sau-thoi-gian-dai-vang-bong-nha-dau-tu-thu-phat..jpg
Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên) tái khởi động sau thời gian dài vắng bóng nhà đầu tư thứ phát.

Sau nhiều năm “ngủ đông”, Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (huyện Phú Xuyên) đã tái khởi động, hứa hẹn mở ra cơ hội việc làm cho người dân trong khu vực. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả, dự án này cần tiếp tục đẩy nhanh các hạng mục đầu tư và chuẩn bị lực lượng lao động phù hợp, không lỡ nhịp nhân lực khi khu công nghiệp đi vào hoạt động...

Trước nỗi lo quy hoạch khu công nghiệp các giai đoạn tiếp theo kéo dài, ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp của người dân, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thông tin, giai đoạn 2 của khu công nghiệp rộng khoảng 363ha, đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định dự toán lập quy hoạch phân khu, làm cơ sở trình UBND thành phố phê duyệt (dự kiến phê duyệt trong năm 2025), là căn cứ thực hiện các bước tiếp theo...

Còn với Khu B (khu đô thị - dịch vụ, nhà ở công nhân) đã được chủ đầu tư đầu tư cơ bản về hạ tầng. Việc triển khai các hạng mục về dịch vụ, nhà ở công nhân sẽ do chủ đầu tư đề xuất thực hiện theo nhu cầu, phù hợp với quy hoạch khi các dự án đầu tư trong khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Khơi thông nguồn lực phát triển Thủ đô:
Bài 4: Nhận diện rõ nguyên nhân của những tồn tại

pho-chu-tich-hdnd-thanh-pho-pham-qui-tien-giam-sat-ve-cong-tac-quan-ly-dat-dai-bai-song-ngoai-de-tai-huyen-phuc-tho..jpg
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên giám sát về công tác quản lý đất đai bãi sông, ngoài đê tại huyện Phúc Thọ.

Với vị trí, vai trò là Thủ đô, Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện quyết liệt, đột phá, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì thế, cần thẳng thắn nhận diện nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, sớm có biện pháp khắc phục để người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, các nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan của thành phố vẫn là chủ yếu.

Trong đó, công tác dự báo, lập kế hoạch, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong từng thời kỳ còn có lúc, có nơi chưa sát với thực tế. Công tác phối hợp giữa cơ quan tổng hợp và các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố hiệu quả chưa cao, chưa có quy trình cụ thể trong phối hợp rà soát, đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch hằng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 23-12-2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.